Cuộc sống

Hành trình đi tìm công lý của những người mẹ có con bị bạo hành

Thương con bị người khác đánh đập, những người mẹ ở trong hoàn cảnh này đã cố gắng hết sức để đi tìm công lý dù đường sá xa xôi cách trở. Sự che chở của người mẹ đã phần nào làm lành các vết thương của con trẻ.

Ảnh minh họa

Tình mẹ

Chị Nguyễn Thị Hương, hiện ngụ tại Lộc Ninh, Bình Phước. Thời điểm chị tìm tới tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam nhờ sự hỗ trợ vì con gái chị, cháu Thanh T., bị mẹ kế dùng kìm bấm tiêu đánh vào đầu, gây thương tích, cũng là lúc chị đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư cổ tử cung.

Vài tuần, theo phác đồ điều trị của bác sĩ, chị Hương đi xe đò từ Lộc Ninh xuống TPHCM. Chị chọn chuyến xe đêm để tiết kiệm thời gian, tới thành phố vừa kịp vào bệnh viện khám bệnh. Chị Hương uống thuốc, tinh thần rất lo lắng, cơ thể vô cùng mệt mỏi nhưng bản thân chị không vì vậy mà quên đi vụ việc con gái sang nhà thăm cha ruột mà bị mẹ kế vô cớ đánh đập.

"Cứ lúc nào rảnh rỗi, ngồi nghĩ con gái máu chảy trên đầu, chân sưng đau do mẹ kế vô cớ đánh, là tôi lại quặn ruột quặn gan. Cháu có làm gì đâu, chỉ vì tới nhà thăm ba mà mẹ kế ngứa mắt, cầm cây gỗ và kìm bấm tiêu tấn công", chị Hương tâm sự.

Sau khi cô con gái 14 tuổi lâm nạn, chị Hương đã đi rất nhiều nơi để nhờ sự giúp đỡ và cầu cứu. Chị Hương báo Công an xã, tới nhiều cơ quan công quyền khác. Cháu Thanh T. được đưa đi giám định lần đầu với kết quả thương tích 22%.

Một thời gian sau, cháu T. được giám định thương tích lần 2 với kết quả chỉ 1%. Vụ án sau đó không được khởi tố. Không đồng ý với việc này, chị Hương đã đi từ Bình Phước xuống TPHCM nhiều lần để tìm sự hỗ trợ.

Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM, các luật sư Lê Ngọc Luân, Đỗ Ngọc Thanh đều tham gia đồng hành, trợ giúp pháp lý miễn phí. Doanh nhân Lê Hoài Anh đọc các bài báo trên Báo Phụ nữ Việt Nam, cũng gửi hỗ trợ 10 triệu đồng để chị Hương có thêm chút chi phí chữa bệnh.

Từ đó tới nay, vụ việc vẫn không có tiến triển gì hơn. Tuy nhiên, kỳ vọng, niềm tin của người mẹ này vẫn còn vẹn nguyên như nhiều năm trước. Bé Thanh T. những ngày bị bạo hành mới 14 tuổi, nay đã tốt nghiệp Đại học và đi làm. Chị Hương rất may mắn đã vượt qua sự hiểm nghèo của cơn bạo bệnh, hiện sống khỏe mạnh.

Thỉnh thoảng, chị lại nhắn tin cho phóng viên, hỏi xem vụ việc của con gái chị thế nào. Một năm đôi lần, chị lại tới tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam để trò chuyện và luôn mong muốn tìm được sự công bằng cho con gái. Sự kiên nhẫn của chị khiến chúng tôi vô cùng xúc động.

Và có thể, tôi đã nghĩ, vì niềm tin rất lớn rằng người đã đánh đập con gái chị sẽ bị trả giá, nên nội lực của người mẹ này mỗi ngày mỗi mạnh mẽ.

Gần đây, chị Hương thông báo, chồng cũ của chị đã chia tay vợ hai. Người mẹ kế vô cớ đánh con gái chị đã không còn ở với ba của tụi nhỏ nữa. Người ấy đã chuyển đi đâu sinh sống không rõ.

Mẹ luôn che chở cho con

Đã có lần, tôi cùng các luật sư xuống Kiên Giang để gặp gỡ, hỗ trợ mẹ con chị Nguyễn Thị Riêng. Con trai chị, cháu trai Huỳnh Ngọc S., 14 tuổi, bị một người đàn ông có hiềm khích với chị của cháu, vô cớ dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu, vào mặt cháu, khiến cháu phải đi bệnh viện cấp cứu.

Chị Riêng đã đi lại nhiều lần từ Kiên Giang lên TPHCM để tìm sự hỗ trợ. Quãng đường xa, nhà lại neo người nhưng chị Riêng nói, mỗi lần nhìn vết sẹo dài trên mặt, trên đầu của con trai, chị lại nghẹn ngào.

"Con trai tôi đâu có lỗi gì với người đàn ông kia. Việc hiềm khích, mâu thuẫn giữa chị gái cháu và người kia là việc riêng của 2 người. Vậy mà khi con trai tôi ra ngoài đường, tình cờ gặp, người đàn ông đó đã dùng nón bảo hiểm, là loại hung khí nguy hiểm, đánh vào đầu, vào mặt cháu. Thằng bé còn nhỏ, tại sao người ta có quyền làm như vậy?!", chị Riêng khóc khi trao đổi với chúng tôi.

Để tìm lại sự công bằng cho con trai, chị Riêng đã không quản ngại đêm hôm, đi xe đò từ Kiên Giang lên TPHCM nhiều lần. Chị Riêng vô cùng kiên nhẫn khi phải trình bày lại sự vụ xảy ra với con trai cho nhiều người, nhiều cơ quan quan tâm.

Khi cứng rắn, mạnh mẽ đưa ra quan điểm cá nhân, khi mềm yếu, xúc động vì thương xót con trai, rất nhiều cung bậc cảm xúc của người mẹ này đã lay động những người được tiếp cận thông tin.

Tuy nhiên, vụ việc xảy ra với cháu Huỳnh Ngọc S. sau đó đã không được khởi tố. Điều này khiến người mẹ luôn nặng lòng, day dứt và mang nhiều nỗi niềm uẩn ức.

Chị nói: "Ai đã làm cha mẹ, khi nhìn thấy con cái mình bị người khác vô cớ đánh đập, đều hiểu nỗi đau mà tôi đang phải gánh chịu. Nỗi đau ấy bị đẩy cao hơn nữa khi người lớn gây ra tội lỗi với con trẻ mà không bị xử lý thích đáng.

Nhiều người nói với tôi rằng, tôi đã làm quá mọi việc lên. Vết sẹo trên đầu, trên mặt con tôi đã lành rồi, thì thôi, khuấy mọi việc thêm làm gì cho chộn rộn. Nhưng nói như vậy là rất sai. Người lớn có hiểu biết, thì càng phải tuân thủ pháp luật, chứ tại sao lại vô cớ đánh con trẻ?

Ai cũng đánh con trẻ như vậy, thì sao có thể chấp nhận được. Đó là chưa nói tới việc, con trai tôi đã bị ảnh hưởng tâm lý một thời gian dài khi tới trường. Cháu mặc cảm, học hành bị giảm sút sau khi bị bạo hành. Tôi đau lắm".

"Khi một đứa trẻ bị tổn thương, người đầu tiên cảm nhận được nỗi đau đó chính là người mẹ. Đối với họ, công lý không chỉ là bản án dành cho kẻ gây ra tội lỗi, mà là ánh sáng cuối con đường, nơi niềm tin được tìm lại và tương lai của con cái được bảo vệ.

Câu chuyện về bé Huỳnh Ngọc S. ở Kiên Giang và bé Thanh T. ở Bình Phước đã chạm vào tận cùng nỗi đau và khát khao của những người mẹ đang tìm lại sự công bằng cho đứa con của mình", luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Dân Luật, cho biết.

Là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cả 2 trường hợp, luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho rằng có nhiều điểm chung giữa 2 vụ việc, 2 bà mẹ này. Luật sư Đỗ Ngọc Thanh đưa ý kiến:

"Bé Huỳnh Ngọc S. bị đánh vào đầu bằng nón bảo hiểm nhưng việc giám định thương tích lại được tiến hành khi vết thương đã lành. Kết quả 0% thương tích chẳng thể xóa nhòa tổn thương mà S. phải chịu, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Mẹ của cháu, bà Nguyễn Thị Riêng, đã không chấp nhận lời xin lỗi hời hợt mà kiên quyết đi đến cùng, với mong muốn pháp luật phải bảo vệ con trẻ một cách đúng đắn, công bằng. Tương tự, bé Thanh T. ở Bình Phước lần đầu giám định thương tích có kết quả 22% nhưng một thời gian sau, khi vết thương đã lành, kết quả thương tích lại là con số 1%.

Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ của cháu Thanh T., cũng phải trải qua nỗi đau khi con gái của mình vô cớ bị đánh đập bởi mẹ kế. Hoàn cảnh gia đình khiến chị Hương càng thêm nhiều tâm trạng buồn. Gạt bỏ nỗi đau cá nhân, chị Hương đã nhiều năm gửi đơn thư tới nhiều cơ quan công quyền để đề nghị pháp luật bảo vệ con trẻ.

Mỗi lần phải đối diện với sự chậm trễ từ cơ quan chức năng, người mẹ chỉ biết hy vọng rằng công lý sẽ không bỏ quên đứa trẻ của mình. Những người mẹ ấy, dù mệt mỏi, vẫn bước đi với niềm tin vào một tương lai nơi pháp luật là thành trì vững chắc".

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, với những người mẹ này, công lý dành cho kẻ đã bạo hành con cái họ không chỉ là sự trừng phạt, mà còn là cách giữ gìn danh dự cho đứa trẻ, giúp phần nào đó chữa lành những tổn thương trong tâm hồn của trẻ em.

Và tất nhiên, trong suy nghĩ của những người mẹ, họ luôn sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ con cái mình. Đó là quyền, là nghĩa vụ và thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng.

Tác giả: Đinh Thu Hiền

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP