Kinh tế

Hà Tĩnh có 'ưu ái' đối với siêu dự án cấp nước của 'đại gia' Hoành Sơn?

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa đề xuất chuyển đổi 1.107ha đất rừng cho công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến để doanh nghiệp của ‘đại gia’ Hoành Sơn thực hiện siêu dự án cấp nước với tổng mức đầu tư 4.415 tỷ đồng.

Siêu dự án cấp nước về Hoành Sơn như thế nào?

Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển đổi 1.107ha đất rừng cho công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước khu kinh tế Vũng Áng (KKT) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng.

Đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước khu kinh tế Vũng Áng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng

Theo đó, Hồ Rào Trổ có diện tích 1.089ha gồm rừng tự nhiên 371ha, rừng trồng nguyên liệu 252ha, rừng trồng cao su 465ha; Diện tích cho đập dâng Lạc Tiến là 17,9ha rừng trồng nguyên liệu.

Trong số diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sang thực hiện dự án, có 366ha thuộc quyền quản lý của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, 479ha thuộc quyền quản lý của công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và 261ha do hộ gia đình quản lý.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước KKT Vũng Áng gồm công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến là dự án có quy mô, diện tích thực hiện 2.845ha với dung tích 162,4 triệu m3 nước, có cao trình đỉnh tường chắn sóng +84,6m.

Mục tiêu của dự án là cấp nước cho khu công nghiệp Vũng Áng với công suất 762.000 m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Kỳ Anh 12.000 m3/ngày đêm, cấp nước tưới ốn định cho 1.335ha đất canh tác và 300ha đất nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm lũ cho hạ du, cải thiện môi trường cảnh quan phục vụ du lịch...

Qua khảo sát, trước năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Công ty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa. Công ty này đã triển khai thực hiện dự án với giá trị khối lượng ước đạt hơn 33 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chủ đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ nên ngày 25/3/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh.

Hệ sinh thái của doanh nhân Phạm Hoành Sơn

Một thời gian sau, với sự "táo bạo" của mình, Công ty Cổ phần tập đoàn Hoành Sơn (Công ty Hoành Sơn) đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản đồng ý cho lập hồ sơ, thủ tục dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng.

Sự 'táo bạo' đó được thể hiện thông qua việc, ông Phạm Hoành Sơn "khai sinh" ra Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và được Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cấp GPKD vào ngày 24/4/2011, đăng ký địa chỉ tại TDP Hưng Thịnh, phường Sông Trí, TX Kỳ Anh.

Chỉ ít tháng sau, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng triển khai dự án cấp nước lần đầu vào tháng 8/2011.

Đến tháng 9/2012, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng có quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.415 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có, vốn vay và vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hạng mục đầu tư của dự án 1.269 tỷ đồng. ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn chủ sở hữu tại dự án 1.000 tỷ đồng, vốn vay từ ngân hàng 2.146 tỷ đồng.

2 tháng sau, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngân sách 1.269 tỷ đồng hỗ trợ dự án, ông Võ Kim Cự, đương kim chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thời điểm đó đã ký Văn bản số 1891/QĐ-UBND ngày 26/6/2013 về việc "tạm ứng ngân sách cấp ứng cho Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Vũng Áng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng".

Về Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, tổng vốn điều lệ vào thời điểm ngày 10/11/2016 là 500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi: ông Phạm Ngọc Hà đã chuyển hết 4% cổ phần, trong đó chuyển 2% cho Công ty Hoành Sơn và 2% cho ông Nguyễn Tiến Ngọc (cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này chính là Công ty Hoành Sơn).

Hệ sinh thái và "giấc mơ bia" gắn liền với tên tuổi đại gia Hoành Sơn

Ngoài Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và Công ty "mẹ" là Công ty CP tập đoàn Hoàng Sơn, ông Phạm Hoành Sơn từng được biết đến là người đại diện của hàng chục Công ty/chi nhánh đang đầu tư nhiều dự án trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Dự án được chấp thuận từ năm 2019 nhưng đến nay chưa đi vào sản xuất (Ảnh chụp chiều 22/9/2021)

Điển hình trong số đó có các dự án như Dự án xây dựng chung cư nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an tại TP Hà Nội; Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn, TP Hà Nội; Dự án điện gió, điện mặt trời tại Quảng Trị, hay một số dự án tại Hà Tĩnh như Dự án nhà máy sản xuất phân lân và NPK công suất 800.000 tấn/năm tại KKT Vũng Áng...

Đặc biệt, Dự án trung tâm thương mại 18 tầng tại TP Hà Tĩnh, bao gồm tòa nhà TTTM, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao…

Còn tại "thủ phủ" TX Hồng Lĩnh, ngày 4/10/2019 Công ty Hoành Sơn được giao làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cổng Khánh 2 (CCN) tại phường Đậu Liêu với diện tích đất sử dụng khoảng 35,66 ha; Mục tiêu sản xuất đồ uống (sản xuất bia, rượu…); sản xuất bao bì, lon bia, các thiết bị phụ trợ phục vụ sản xuất bia và các ngành nghề khác đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Để hiện thực hóa "giấc mơ bia", trước đó doanh nhân Phạm Hoành Sơn đã "khai sinh" Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh vào tháng 5/2019. Công ty này sau đó được Hà Tĩnh đồng ý chủ trương cho phép đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh với diện tích 9,02 ha tại CCN Cổng Khánh 2 vào tháng 4/2020. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.230 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đó khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Công ty Hoành Sơn đã vội vã thi công. Sau khi phát hiện sự việc, ngành chức năng Hà Tĩnh liên tiếp ra văn bản xử lý. UBND TX Hồng Lĩnh sau đó cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng do công ty này xây dựng trái phép. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải chấm dứt mọi hoạt động thi công tại khu vực này.

Nhà máy bia sẽ có công suất 50 triệu lít/năm gồm bia và các loại đồ uống phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực... tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên sau gần 2 năm trôi qua, theo quan sát tại CCN Cổng Khánh 2 vào chiều 22/9/2021, nhiều hạng mục tại dự án nhà này vẫn còn dang dở, những "giọt bia đầu tiên" gắn liền với tên tuổi Hoành Sơn vẫn chưa biết đến bao giờ mới được xuất xưởng?

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Phương Nam

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP