Kinh tế

Siêu dự án lọc dầu: 'Khóc cười' ưu đãi tỷ đô

Ưu đãi thuế là một phần không thể thiếu của các dự án lọc dầu ở Việt Nam. Nhờ cơ chế ấy, có nhà máy có thể hưởng lợi hàng tỷ đô la nhưng đó lại là nguồn gốc của những rắc rối không dễ giải quyết.

Siêu dự án, ưu đãi khủng

Trong số hàng loạt ưu đãi cho các dự án lọc dầu, thì việc được giữ mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với khí hóa lỏng và 3% với sản phẩm hoá dầu khác là một đòi hỏi không thể thiếu của các nhà đầu tư. Cơ chế này áp dụng đầu tiên là cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

20160818103204 dungquatt

Điều này có nghĩa, tuy là nhà máy trong nước, nhưng sản phẩm bán ra của lọc dầu Dung Quất vẫn phải chịu thuế nhập khẩu như các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu khác. Với cơ chế này, khi thuế nhập khẩu xăng là 20% thì Dung Quất chỉ phải nộp 13% và giữ lại 7%. Nếu thuế nhập khẩu về 7% thì Nhà nước không thu đồng nào, còn nếu thuế về 0% thì Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) phải thay mặt Nhà nước bù cho Dung Quất 7%.

Sau Dung Quất, lọc dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD với vốn nước ngoài chiếm đa số cũng được hưởng ưu đãi này. Thậm chí, Nghi Sơn còn được ưu đãi nhiều hơn cả Dung Quất khi được hưởng cơ chế này tới 10 năm. Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô ở Phú Yên cũng được hưởng ưu đãi tương tự.

Cơ chế ưu đãi này cũng chính là điều nhiều nhà đầu tư lọc dầu khác đưa ra “mặc cả” khi đầu tư ở Việt Nam.

Khi mới ngỏ ý đầu tư dự án lọc dầu Nhơn Hội 28 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) cũng kiên quyết muốn được hưởng ưu đãi thuế 3-5-7% như lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn.

Lúc đó, Bộ Tài chính đã có lần từ chối nhưng về sau cũng đồng ý cơ chế ưu đãi này. Cho nên nếu không có việc PTT từ bỏ dự án ở Nhơn Hội họ cũng được hưởng cơ chế ưu đãi như Nghi Sơn, Dung Quất.

Vì sao các nhà đầu tư lại tha thiết với ưu đãi này như vậy? Theo một tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với trường hợp Dung Quất, nếu không được ưu đãi, số lỗ nhà máy này từ năm 2010 - 2014 đã lên đến 27.600 tỷ đồng.

Nhờ “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được giữ lại, nên từ năm 2010 - 2014, Dung Quất đã được hưởng giá trị ưu đãi từ cơ chế lên tới trên 26.000 tỷ đồng.

Ưu đãi bị phản tác dụng vì hội nhập

Tuy nhiên, hiện nay cơ chế ưu đãi này bỗng trở nên “hết thiêng”, thậm chí trở thành gánh nặng với các nhà máy lọc dầu như Dung Quất, và cả ngân sách nhà nước.

Lý do chủ yếu đến từ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, ngoại trừ mặt hàng xăng giữ nguyên ở mức 20%, thuế nhập khẩu các sản phẩm dầu và hóa dầu từ ASEAN giảm mạnh.

Cụ thể, kể từ 1/1/2016 thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu diesel và nhiên liệu phản lực (Jet A1) từ các nước ASEAN là 0%. Trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu dieselvà Jet A1 của lọc dầu Dung Quất khi ấy vẫn là 10%.

Như vậy một nghịch lý xuất hiện, sản phẩm của Dung Quất sản xuất trong nước, bán cho thị trường trong nước lại phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn xăng dầu nhập từ Singapore. Vì lẽ đó, Dung Quất liên tục kêu cứu vì “đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa trong thời gian tới”.

dsc 115491356997

Sau đó, Bộ Tài chính đã phải giảm thuế các mặt hàng dầu xuống 7%, bằng với giá trị ưu đãi mà Dung Quất được hưởng. Với mức thuế này, ngân sách không phải cấp bù cho Dung Quất và trước mắt giá bán của Dung Quất có thể ngang bằng với sản phẩm từ ASEAN. Song điều này cũng đồng nghĩa với việc, những ưu đãi cho Dung Quất đang trong tình trạng gần như “có cũng như không”.

Mặt khác, ưu đãi cho Dung Quất được bắt đầu tính từ năm 2010, đến hết năm 2018 là kết thúc, trong khi ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn phải đến năm 2027 mới chấm dứt (tính từ 2017). Chính vì thế, trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2015, Tập đoàn Dầu khí VN đã cảm thấy lo ngại sản phẩm của Dung Quất không cạnh tranh được với Nghi Sơn.

“So với lọc dầu Nghi Sơn thì nhà máy lọc dầu Dung Quất được hưởng ưu đãi thấp hơn, điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN trong cùng một lĩnh vực đầu tư”, PVN giãi bày.

PVN cho rằng sau năm 2018, nếu không được tiếp tục được hưởng cơ chế ưu đãi thì sức cạnh tranh của Dung Quất là thấp so với các đơn vị trong cùng lĩnh vực, đặc biệt là trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Còn với Nghi Sơn, việc cho nhà máy này được hưởng ưu đãi như Dung Quất đến tận 2027 đã khiến ngân sách đứng trước nguy cơ bù lỗ cho nhà máy này. Cụ thể, số tiền bù lỗ có thể lên đến 3,5 tỷ USD (khoảng 75 nghìn tỷ đồng) trong 10 năm tới trong khi số vốn bỏ ra của liên danh các nhà đầu tư là 9 tỷ USD. Kịch bản này chỉ xảy ra nếu giá dầu ở mức 75 USD/thùng, còn với giá dầu ở mức 45-70 USD/thùng thì số tiền lọc dầu Nghi Sơn dự kiến được hưởng là 1,5-2 tỷ USD.

TS. Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) từng chia sẻ: “Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, là bước đột phá phát triển kinh tế miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Cho nên khi làm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chính phủ mới cho hưởng nhiều ưu đãi. Thế nhưng khi các dự án lọc dầu đang ngày càng nhiều ở Việt Nam, các chính sách ưu đãi nên xem lại”.

Đáng tiếc là, những ưu đãi kể trên đã được “duyệt” cho nhiều dự án lọc dầu. Cho nên ít nhất 10 năm tới, câu chuyện ưu đãi thuế cho lọc dầu 'tỷ đô' chưa thể kết thúc.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP