Tại hội thảo của diễn đàn giáo dục Việt Nam Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin ngày 13/1, cô Bùi Minh Ngọc (trường tiểu học Trong rừng, Hà Nội) chia sẻ các vấn đề gặp phải khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy tiếng Anh.
"Khi học sinh ôn tập từ, mẫu câu qua trò chơi trên phần mềm máy tính, các em bị sa vào, giáo viên rất khó để kéo học trò sang phần thực hành kỹ năng đọc, viết trên giấy. Các em cũng giảm nhu cầu tương tác thực tế khi thầy cô tới bàn trao đổi, cùng luyện vốn từ", cô Ngọc nói. Cô giáo không biết làm thế nào để học trò không bỏ qua giao tiếp với thầy cô hay quên mất nội dung chính cần học.
Bùi Minh Ngọc (trường tiểu học Trong rừng, Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang. |
Việc giáo viên, học sinh chú trọng công nghệ mà quên nội dung giảng dạy, theo ông Hà Xuân Nhân - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) là trục trặc ban đầu khó tránh khỏi khi giáo viên chưa đủ kỹ năng, kiến thức sử dụng công cụ vào bài giảng. Ông và các diễn giả khác của hội thảo đề xuất hướng giải quyết là giao nhiệm vụ học tập cho học sinh dựa trên ứng dụng các em ham mê.
Ví dụ, khi đứa trẻ thích thú phần mềm làm phim chậm, người lớn có thể yêu cầu em viết kịch bản, vẽ lại nội dung kịch bản đó rồi chụp hình và dựng thành phim. Lúc này, đứa trẻ vừa được kéo ra khỏi ứng dụng để học tập chủ động, sáng tạo trên phương tiện, vừa hiểu rằng ứng dụng chỉ là công cụ để học.
Một nguyên tắc quan trọng nữa là giáo viên phải đi từ nội dung, mục tiêu của bài giảng để lựa chọn công nghệ phù hợp. Người thầy cũng cần định hướng rõ mục đích học tập cho học sinh khi giới thiệu ứng dụng và nhất thiết phải có phương pháp giảng dạy hợp lý.
"Giáo viên muốn ứng dụng công nghệ thông tin giỏi trong dạy học trước hết phải giỏi chuyên môn", thạc sĩ Kevin Peter Gilman - giảng viên Văn phòng Tiếng Anh khu vực (RELO) thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nói.
Ông phân tích, khi chuyên môn tốt, giáo viên sẽ biết lựa chọn thông tin, phương pháp giảng dạy hiệu quả, làm học sinh hứng thú. Sẽ không có chuyện vì công nghệ mà giáo viên mất vị thế. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ là xu hướng dạy học hiện nay và còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai, giáo viên muốn không bị thay thế, học sinh yêu thích, buộc phải giỏi sử dụng công cụ này.
Một số giáo viên cho biết gặp khó khăn khi không được lãnh đạo nhà trường ủng hộ ứng dụng công nghệ vì sợ học sinh xao nhãng mục tiêu chính.
Ngược lại, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) khi đưa công nghệ vào giảng dạy bị nhiều giáo viên phản ứng mạnh. Lý do là thầy cô quen cách dạy truyền thống, cùng quan niệm không cần thiết đổi mới bởi cách cũ vẫn cho ra nhiều lứa học sinh giỏi. Mất nhiều thời gian tuyên truyền, thuyết phục, giáo viên mới dần thay đổi quan điểm.
Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Trang. |
"10 năm trước chúng tôi đưa ra số giờ bắt buộc mỗi giáo viên sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy như soạn bài giảng power point... Dù nhiều giáo viên phản ứng, chúng tôi vẫn áp dụng để thầy cô làm quen. Hai năm sau, khi giáo viên thành thục, nhà trường bỏ quy định bắt buộc và hướng thầy cô tới việc sử dụng công nghệ trong bài giảng hiệu quả", ông nói.
Thực tế trải nghiệm, ông Nhâm cho rằng, công nghệ giúp thầy trò THPT Phan Huy Chú phát huy tốt hơn hiệu quả học tập, quản lý. Giáo viên tiết kiệm được thời gian, công sức soạn giáo án. Việc thu - chấm - chữa - trả bài thực hiện qua mạng nên thuận tiện hơn. Bài giảng của giáo viên cũng trở nên sinh động hơn.
Với khoảng 1.500 phiếu lấy ý kiến khảo sát học sinh về chất lượng đào tạo của trường mỗi năm, cách dùng phiếu điện tử cũng giúp ban giám hiệu giảm thời gian thống kê từ 2 tuần xuống 2 ngày.
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress