Giáo dục

Giáo sư mặc quần đùi, sao cấm sinh viên mặc áo phông không cổ?

Ý kiến được nêu ra ngay sau quy định của trường đại học yêu cầu sinh viên mặc áo thun có cổ tới trường được đăng tải trên VietNamNet.

Nội quy học đường của Trường ĐH Tài chính Marketing, mới đây yêu cầu sinh viên tới trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu.

Sinh viên sư phạm (Ảnh: Thanh Hùng)

Ngoài đồng phục, trường đại học này cũng yêu cầu sinh viên không được mặc các trang phục không phù hợp với môi trường giáo dục, gây phản cảm, không nhuộm tóc quá nhiều màu nổi bật, không được cắt theo kiểu không bình thường hoặc cạo đầu (trừ trường hợp tu sĩ).

Ngay lập tức, quy định này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của sinh viên nhà trường. Sinh viên cho rằng, cần được mặc thoái mái, đa dạng, không bị bó buộc, thậm chí có cả ý kiến lấy thời tiết nắng nóng ở Sài Gòn để phản đối chuyện phải mặc áo thun có cổ.

Lãnh đạo nhà trường giải thích, nội quy ghi sinh viên mặc áo thun có cổ chứ hoàn toàn không cấm sinh viên mặc áo thun không cổ.

Trường quy định như vậy vì trên thực tế đã có nhiều sinh viên ăn mặc phản cảm, áo thun cổ khoét sâu, hở hang đến trường, không phù hợp với môi trường sư phạm. Do vậy, quy định này đưa ra để khuyến cáo sinh viên nên mặc áo lịch sự hơn.

"Nếu sinh viên ăn mặc lịch sự sẽ tạo được thiện cảm cũng như thương hiệu của trường. Những quy định nói trên là cách giúp sinh viên tự rèn luyện ý thức bản thân để thích nghi với quy định ở các công ty, doanh nghiệp sau này" - lãnh đạo nhà trường cho hay.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các đại học, học viện, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp không bắt buộc học sinh, sinh viên phải mặc đồng phục khi đến trường. Nhà trường ban hành quy định cụ thể về trang phục của học sinh, sinh viên khi đến trường, đảm bảo sự nghiêm túc của môi trường giáo dục nhưng không gò bó, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Như vậy, việc Trường ĐH Tài chính Marketing, quy định về trang phục của sinh viên là không sai. Vấn đề là làm như thế nào để sinh viên đồng tình và thực hiện.

Nhìn lại trang phục giảng đường, cách đây chưa lâu, GS Trương Nguyện Thành, lúc đó còn là Phó hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen đã lên giảng đường bằng một chiếc quần đùi may ô, áo phông không cổ, rách lỗ chỗ.

Lúc đó, ông Thành cho hay, ông mặc như vậy để minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo. "Muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không giới hạn suy nghĩ của mình, vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội"- GS Thành nêu quan điểm về trang phục "phá cách" của mình. Vin vào vấn đề này, sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing và sinh viên các trường phản ứng việc cấm mặc áo phông không cổ có lý lẽ riêng, nhưng sử dụng trang phục lịch sự, đẹp có ý nghĩa nhất định.

Trang phục lịch sự sẽ hình thành tác phong chuyên nghiệp

Một sinh viên ở TP.HCM đến cơ quan tôi thực tập. Em mặc chiếc váy rất ngắn. Khi ngồi họp tôi nhìn và hơi "giật mình" nên đã nhẹ nhàng nhắc em. Nhưng em phản ứng rằng, do em cao chứ không phải váy ngắn. Cá nhân tôi đánh giá không cao những sinh viên này. Ở trường các em dùng trang phục như thế nào cho phù hợp với môi trường học đường, nhưng đi làm ở các cơ quan, doanh nghiệp các em phải theo nền nếp. Đánh giá con người qua trang phục chưa hẳn chính xác, nhưng trang phục phần nào cũng thể hiện tính cách, sự văn minh, nền giáo dục của người đó. Việc trường đại học yêu cầu sinh viên mặc trang phục lịch sự là đúng. Điều này tạo nếp cho sinh viên sau này đi làm. Các em sẽ biết lựa chọn trang phục như thế nào để gây thiện cảm cho người đối diện, thể hiện văn hóa của mình.- (Chị Phương Quỳnh, làm việc ở một cơ quan nhà nước)

Là người gần gũi với hàng nghìn sinh viên, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhìn nhận, việc trường cấm sinh viên mặc áo phông không cổ, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng nhưng là điều nên làm.

Tuy nhiên nhà trường không nên bắt buộc tất cả các giờ học mà chỉ nên áp dụng cho những giờ học phù hợp. Sinh viên cần có sự thoải mái để sáng tạo hơn. Như vật vào những giờ học cần phải có tác phong chuẩn mực theo đúng như doanh nghiệp đang thực hiện thì áp dụng, còn những giờ sinh hoạt, các buổi giao lưu... cần sự thoải mái trong trang phục.

Ông Sơn cho rằng, để làm được điều này, cần có cơ sở để các em thực hiện được tốt, trong đó quan trọng cho sinh viên thấu hiểu được ý nghĩa mặc trang phục.

Nhìn nhận lại trang phục của sinh viên hiện nay, ông Sơn cho hay, đa phần sinh viên mặc đồ rất tùy tiện, không có tác phong công nghiệp. "Không những kỹ năng giao tiếp rất kém, nhiều em khi liên hệ công việc toàn mặc áo khoác, đeo khẩu trang, tác phong lếch thếch, làm mất hình ảnh"- ông cho hay.

Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho rằng, sinh viên là những người trẻ đã trưởng thành, tâm lý chung vừa thoát ra khỏi những quy định đồng phục nghiêm ngặt ở trường THPT, do vậy muốn được tự do hơn khi bước vào môi trường đại học.

"Quy định trang phục cho sinh viên có những ưu điểm riêng, tuy nhiên nếu được nhà trường chỉ quy định sinh viên mặc trang phục cho những sự kiện, hoạt động chung nhằm thể hiện bản sắc, đặc trưng của sinh viên trường mình. Tương tự ở các khoa hay ngành cũng có thể có đồng phục cho sinh viên, ngoài thể hiện đặc trưng còn phục vụ cho chuyên môn, nhất là những ngành liên quan đến khối dịch vụ như du lịch, ngân hàng. Đối với ngày thường, nên để sinh viên mặc thoải mái, được tự do thể hiện cá tính, sở thích của mình. Nhà trường chỉ cần quy định chung về tác phong ăn mặc để đảm bảo lịch sự, gọn gàng, đẹp là được"- bà Dung nêu.

Tuy nhiên, bà Dung cũng khuyến khích sinh viên mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, điều này, sẽ tạo tác phong chuyên nghiệp khi đứng trước các nhà tuyển dụng, cũng như khi bước vào môi trường làm việc chính thức.

Còn ông Đoàn Phong, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cho rằng, môi trường đại học đòi hỏi sự năng động, hiện đại nên sinh viên mặc đồ đẹp, lịch sự ngoài việc thể hiện cá tính còn tạo nên phong cách của bản thân. Bên cạnh đó, trang phục sinh viên thể hiện sự thụ hưởng về triết lý giáo dục của ngôi trường đang theo học. Vì vậy, nhà trường không gò bó khuôn khổ về mặt hình thức để sinh viên phát huy bản thân và thoải mái nhất khi theo học, nhưng với những ngành nghề đặc trưng thì sinh viên nên chấp hành để rèn tính chuyên nghiệp.

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP