Ông Nguyễn Hồng Oanh - Giiám đốc sở GD&ĐT (áo trắng) trao đổi với nhóm phụ huynh phản đối việc dạy chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. |
Trưa ngày 10/9, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 và nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã kéo đến Sở GD&ĐT tỉnh này gửi đơn kiến nghị Sở GD&ĐT không áp dụng chương trình giáo dục công nghệ trong giảng dạy học sinh tiểu học.
Theo nội dung đơn kiến nghị, phụ huynh bày tỏ, họ không chấp nhận con mình theo học phương pháp này bởi các lý do: Phụ huynh không dạy và kiểm tra được con mình đã học và tiếp thu đến đâu. Phụ huynh cũng cho rằng, theo chương trình giáo dục công nghệ, họ không hỗ trợ được con mình vì phụ huynh không hề biết gì về phương pháp này.
“Đến cuối năm phụ huynh mới biết thực lực con mình đến đâu. Các cháu không theo kịp cùng bạn sẽ nản ở năm học đầu đời. Phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo phổ cập cho con mình” - một đoạn trong đơn kiến nghị viết.
Phụ huynh cũng cho biết, họ trăn trở về nội dung trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có quá nhiều điểm không phù hợp cho lứa tuổi cấp 1. Các trường tiểu học phải lấy ý kiến của phụ huynh để lựa chọn chương trình học cho con mình và áp dụng ngay vào năm học này.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 11/9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, chương trình dạy theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã được 100% trường trong tỉnh áp dụng giảng dạy một tháng nay. Nhưng vào trưa ngày 10/9 có gần 20 phụ huynh kéo đến Sở kiến nghị không đồng tình áp dụng chương trình này.
“Đích thân tôi đã tiếp các phụ huynh và yêu cầu các phụ huynh này ghi rõ họ tên con em mình học ở trường nào và số lượng học sinh để Sở sắp xếp và có hưởng giải quyết, tuy nhiên không phụ huynh nào đồng ý ghi tên” - ông Oanh cho biết.
Cũng theo ông Oanh: “Qua áp dụng giảng dạy thí điểm chương trình Công nghệ giáo dục tiểu học, trong sách có một số từ ngữ không phù hợp với từ ngữ miền Nam thì qua quá trình giảng dạy các trường cũng sẽ có chọn lọc. Nếu các từ ngữ nào không phù hợp chúng tôi sẽ loại ra, chứ không nhất thiết phải theo y như trong sách. Khi áp dụng phương pháp này thì học sinh nhanh biết đọc, biết viết".
Người đứng đầu ngành GD&ĐT Tiền Giang cũng cho biết, trong vài ngày tới, khi họp hội nghị hiệu trưởng, ông sẽ yêu cầu tất các hiệu trưởng khi họp phụ huynh đầu năm phải giải thích cặn kẽ cho phụ huynh hiểu rõ chương trình Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục. Đồng thời, giáo viên phải ghi nhận ý kiến của phụ huynh sau đó báo cáo về Sở để có hướng giải quyết.
Được biết, từ năm học 2013-2014 Tiền Giang đã triển khai thí điểm chương trình Công nghệ giáo dục tại 13/226 trường; năm học 2014 - 2015 triển khai thí điểm tại 18/224 trường. Từ năm 2016 đến nay thực hiện đại trà 224/224 trường tiểu học tỉ lệ 100%.
Qua mỗi năm học Sở GD&ĐT đều có tổ chức hội giảng, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội thảo đánh giá, rút kinh nghiệm về chất lượng, phương pháp dạy học của giáo viên và chất lương học tập của học sinh. Trên cơ sở đó, lấy ý kiến các Phòng GD&ĐT từng bước tổ chức nhân rộng và thực hiện đại trà trong toàn tỉnh.
Tác giả: Nguyễn Vinh
Nguồn tin: Báo Dân trí