Đến hẹn... phố lại thành sông
Liên tiếp từ ngày 30-9 đến 3-10, người dân TP Cần Thơ phải chứng kiến cảnh ngập nước dữ dội do triều cường. Nước ngập từ 6 giờ sáng thứ hai đầu tuần đã làm nhiều cha mẹ lúng túng khi đưa con đến trường. Chị Trần Thị Mỹ Hạnh ở phường An Cư (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) làm thuê cho một quán ăn nên phải đến đúng giờ. Dẫu biết nước dâng cao, chị vẫn phải lội nước đưa con gửi ở một điểm trường tư thục. Chị Hạnh cho biết: "6 giờ sáng đi làm nước ngập, 5 giờ chiều về cũng ngập. Cứ như thế, mỗi đợt triều dâng là mỗi bận khó nhọc cho gia đình. Năm nào tôi cũng mấy bận bì bõm lội nước vì triều cường dâng hay mưa lớn nước không thoát kịp”.
Theo thống kê, khu vực trung tâm TP Cần Thơ có 61 tuyến đường chính bị ngập sâu từ 0,4 đến 0,5m. Các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn cũng có nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước. Những con đường ngập triền miên khi mưa xuống hay triều cường phải kể đến như: Nguyễn Văn Cừ đoạn từ chân cầu Cồn Khương đến ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám, Mậu Thân, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Huỳnh Cương...
Nước ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp khó (ảnh chụp ngày 2-10, đường Cách Mạng Tháng Tám). Ảnh: PHẠM TRUNG |
Ngập vì triều cường hay mưa lớn không còn là chuyện xa lạ với người dân TP Cần Thơ. Từ năm 2004 đến 2022, trên địa bàn thành phố ghi nhận có 12 năm đỉnh triều vượt báo động III và năm 2022 triều cường đạt mức lịch sử 2,27m, vượt báo động III là 27cm. Con nước rằm tháng Tám vừa qua cũng đạt đỉnh 2,13m, vượt mức báo động III. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm, thành phố còn đối mặt với 4 đợt triều cường lớn vào các tháng âm lịch: Đầu tháng Chín, rằm tháng Chín, đầu tháng Mười, rằm tháng Mười. Trung bình mỗi đợt sẽ kéo dài từ 5 đến 7 ngày.
Sớm đồng bộ các công trình
Để giải quyết tình trạng ngập lụt, UBND TP Cần Thơ đã triển khai thí điểm Hệ thống quan trắc, cảnh báo ngập cho thành phố, đồng thời có quyết định phê duyệt, công bố danh mục 64 hồ, kênh rạch không được san lấp trên địa bàn nhằm tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng, bảo vệ nguồn nước. Mới đây, địa phương đề xuất đề tài “Nghiên cứu phát triển công nghệ xây dựng hồ ngầm nhằm hạn chế ngập lụt kết hợp cấp nước sinh hoạt, sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập trên địa bàn TP Cần Thơ và vùng phụ cận”.
Ông Nguyễn Văn Tho, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho biết: “Hiện tại Ban Quản lý ODA đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo 32 tuyến đường để hỗ trợ hệ thống thoát nước cũ khi có mưa lớn. Dự án có tổng vốn gần 282 tỷ đồng, ngày kết thúc hợp đồng là 4-4-2024. Hiện các đơn vị thi công đã triển khai thi công tại 29/32 tuyến đường, tiến độ đạt hơn 81%, còn lại 3 tuyến đường và 2 trạm bơm chưa hoàn thành. Bước đầu, một số tuyến đường đã phát huy hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc nhà thầu hoàn thành các công trình còn lại nhằm giải quyết tình trạng ngập khi mưa, triều cường, cũng như bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông”.
Không phủ nhận sự nỗ lực của địa phương trong công tác phòng, chống ngập lụt. Tuy nhiên vẫn có những dự án chống ngập đang rơi vào cảnh thi công kéo dài; một số dự án hoàn thành không phát huy hiệu quả và chưa đồng bộ trong thực hiện các công trình, dự án dẫn đến tình trạng càng chống càng ngập.
Minh chứng là từ năm 2011, TP Cần Thơ đã tiến hành nạo vét kênh mương, xây 181 van ngăn triều để chống ngập từ dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên lý hoạt động của các van ngăn triều này là khi mực nước trên sông dâng cao sẽ tạo áp lực đóng các van lại không cho nước vào. Tuy nhiên, các van ngăn triều hiện hoạt động chưa đạt hiệu quả cao, bị hư hỏng, mất, hoặc không bảo đảm độ bịt kín để chống nước tràn vào hệ thống cống khi đóng van.
Trước áp lực của triều cường, năm 2016, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai nhiều dự án chống ngập, trong đó có dự án công trình hồ Búng Xáng rộng 12ha, thuộc Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long-Tiểu dự án TP Cần Thơ. Đây là công trình sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) với mức đầu tư 222 tỷ đồng để chống ngập. Sau nhiều lần trễ hẹn, đến nay công trình vẫn chưa được bàn giao do một số hạng mục không đúng, chưa hoàn thành. Thế nên dù là công trình chống ngập nhưng đây lại trở thành điểm ngập sâu và nguy hiểm nhất mỗi đợt triều cường.
Tại Hội thảo “Phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Friedrich Naumann Việt Nam (FNF) và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc càng chống thì càng ngập của TP Cần Thơ đang gặp là do triển khai các công trình chống ngập không tuân thủ theo quy luật. Việc nâng cấp cần được thực hiện từ các con hẻm, tuyến đường nhỏ rồi mới nâng cấp tuyến đường lớn để việc thoát nước thông suốt. Thế nhưng, Cần Thơ lại nâng cấp các trục chính trước mà bỏ qua tuyến đường nhỏ đấu nối. Chính cách làm ngược này đã phát sinh điểm ngập nghẹt.
Bà Nguyễn Kim Hoàng (Cơ quan Hợp tác phát triển Đức, nguyên Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Cần Thơ) cho rằng: “Những khó khăn của Cần Thơ hiện nay bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì hệ thống công trình thoát nước còn hạn chế; áp lực của quá trình đô thị hóa và thay đổi bề mặt đô thị; tình trạng lấn chiếm kênh rạch, vứt rác thải xuống cống; những bất cập trong công tác quản lý thoát nước, quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông; chưa có bộ cơ sở dữ liệu hạ tầng thoát nước đô thị thể hiện đầy đủ về hiện trạng mạng lưới, cao độ nền của toàn thành phố. Hơn nữa, các công trình mới nâng cấp thì được nâng cao theo cốt mới, còn các công trình cũ thì cốt nền thấp hơn, do đó khi đấu nối vào hệ thống công trình mới nâng cấp thì tất nhiên nước ngập sẽ dồn xuống công trình cũ khiến ngập sâu hơn”.
Cần Thơ đang xây dựng để trở thành thành phố thông minh với nhiều cơ chế đặc thù. Mục đích cuối cùng của sự đột phá, sáng tạo này là nhằm phát triển kinh tế-xã hội thành phố nhanh, bền vững, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trên bước đường xây dựng, phát triển hướng tới một thành phố đáng sống, trước mắt, người dân thành phố rất cần một môi trường sống không bị ô nhiễm, ra đường không bị kẹt xe và đặc biệt không phải chịu cảnh bì bõm dắt xe, thức đêm tát nước mỗi khi mưa to, triều cường...
Tác giả: THÚY AN
Nguồn tin: qdnd.vn