Kinh tế

'Giá xăng Việt Nam có thể tăng thêm 30% trong những tháng tới'

Kinh tế trưởng của VinaCapital lo ngại giá xăng tăng trong các tháng tới có thể tác động đáng kể đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari mới đây nhận định xung đột Nga - Ukraine là cú sốc trên thị trường tài chính quốc tế và gây nhiều tác động đến giá cả hàng hoá.

Tuy nhiên vị chuyên gia đánh giá tác động của cuộc xung đột trên lại ít ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Rủi ro lớn nhất là giá dầu và hàng hóa tăng cao có thể tăng lạm phát của Việt Nam lên 1-2 điểm phần trăm.

"Chúng tôi cũng lo ngại về khả năng giá trị đồng USD tăng đột ngột có thể khiến VND mất giá 1-2% đối với đồng USD", vị chuyên gia nói thêm.

Chuyên gia VinaCapital dẫn chứng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nga tương đối nhỏ. Giá trị xuất khẩu sang Nga chỉ khoảng 3,2 tỷ USD, chưa đến 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Khách Nga chỉ chiếm dưới 4% khách du lịch đến Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu khoảng 145 triệu USD phân bón từ Nga trong năm ngoái, chưa bằng 10% lượng phân bón được sử dụng trong nước. Trong khi ngành phân bón của Việt Nam khá phát triển với hai công ty niêm yết lớn là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã có tổng doanh thu gần 1 tỷ USD.

Khoảng 10% lượng than nhập khẩu của Việt Nam là từ Nga. Nước này cũng là nhà cung cấp than lớn thứ ba cho Việt Nam, sau Australia và Indonesia.

Việt Nam sản xuất một lượng đáng kể dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, song vẫn là một quốc gia nhập khẩu ròng. Việc giá dầu lên cao sẽ ảnh hưởng phần nào đến tăng trưởng GDP trong năm nay.

Chuyên gia VinaCapital kết luận nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu lực cản bởi giá năng lượng tăng cao và trì hoãn mở cửa du lịch hoàn toàn. Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5%, giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Ông Michael Kokalari dự báo giá xăng trong nước sẽ còn tăng 30% trong các tháng tới. Ảnh: VinaCapital.

Ông Michael Kokalari cũng dự đoán thêm lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhẹ năm nay, chủ yếu do giá dầu tăng cao.

"Giá dầu thế giới tăng gần 40% sau căng thẳng Nga - Ukraine và có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm trước khi giảm trở lại. Giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam đã tăng gần 20% so với đầu năm tại thời điểm xảy ra xung đột", ông nói.

Chuyên gia VinaCapital nhìn nhận giá dầu trong nước có độ trễ nhưng cơ bản vẫn bám theo giá thế giới. Do vậy ông dự báo giá xăng tại Việt Nam có thể tăng thêm 30% trong những tháng tới.

Nếu điều đó xảy ra, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm. Giá xăng dầu chiếm 3,6% trong rổ tính CPI của Việt Nam và cũng có tác động gián tiếp vào các mặt hàng khác để đẩy lạm phát.

VinaCapital dự báo lạm phát Việt Nam sẽ rơi khoảng 3% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Thực tế báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy CPI trong tháng tháng 2 tăng 1,42%.

Điều này là nhờ giá các loại hàng hóa cơ bản khác không ảnh hưởng quá nhiều đến CPI Việt Nam như lúa mì và kim loại công nghiệp.

Cụ thể giá lúa mì tăng khoảng 50% kể từ giao tranh Nga - Ukraine. Song lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác đóng góp tỷ trọng rất nhỏ vào rổ tính CPI của Việt Nam.

Trong khi mặt hàng gạo - chiếm hơn 3% CPI của Việt Nam hầu như không thay đổi trong những tuần gần đây. Khoảng 20% chi phí sản xuất lúa gạo là phân bón, nhưng giá phân bón ở Việt Nam cũng chưa biến động nhiều.

Giá kim loại công nghiệp đã tăng trên khắp thế giới, nhưng giá thép tại Việt Nam - kim loại công nghiệp quan trọng nhất ở Việt Nam - chỉ tăng khoảng 6% kể từ xung đột.

Tác giả: Huy Lê

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP