Biểu đồ giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay. Đồ họa: Hiền Đức
Dân vẫn thiệt gần 400 đồng/lít
Để có cái nhìn tổng thể về vấn đề này, chúng ta có thể xem lại biến động của giá xăng bán lẻ trong nước tính từ đầu năm đến nay. Từ đầu 2016, Liên bộ Công Thương – Tài chính đã có 15 lần điều chỉnh giá xăng, trong đó 8 lần giảm, 2 lần giữ nguyên và 5 lần tăng. So với mức giá điều chỉnh lần đầu tiên trong năm 2016 (ngày 4/1) giá xăng Ron 92 ở mức 16.030 đồng/lít thì qua 15 lần điều chỉnh giá mặt hàng này về mức 14.699 đồng/lít, tính ra chỉ giảm 1.331 đồng/lít. Theo đó, 4 lần giá xăng giảm liên tiếp trong 2 tháng qua tổng cộng đã giảm 1.801 đồng/lít, trong khi 5 lần tăng trong năm (tính đến thời điểm này) đã đưa giá xăng lên 2.278 đồng/lít.
Trước kỳ điều hành giá xăng ngày 4/8 vừa qua, Liên bộ Công Thương - Tài chính, theo số liệu công bố trên website của Bộ Công Thương cho thấy, giá mặt hàng RON 92 tại Singapore ngày 29/7 (thị trường chính để căn cứ điều chỉnh giá trong nước) đã giảm về mức 44,78 USD/thùng – mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel cũng chốt phiên 29/7 ở mức lần lượt ở mức 49,03 USD/tấn và 48,90 USD/tấn.
Với diễn biến của giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mối nhận định, trong kỳ điều chỉnh giá ngày 4/8, nếu mức trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không thay đổi, mức thuế bình quân được áp dụng, giá xăng RON 92 có thể giảm tới 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, trong chiều 4/8, giá xăng chỉ giảm 604 đồng/lít. Theo cách tính đó thì người dân đã thiệt 396 đồng/lít trong lần điều chỉnh giá xăng này.
Về công tác điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đã khẳng định: “Giá xăng dầu bán lẻ phụ thuộc vào giá thế giới, muốn tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu là phụ thuộc vào giá thế giới”.
Một so sánh khác, mặt bằng giá dầu thô và giá thành phẩm thời gian qua đang ngang bằng với mức giá giai đoạn cuối 2008-2010 nhưng giá bán lẻ trên thị trường thời điểm hiện tại lại cao hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân của sự chênh lệch đó là phí kinh doanh đã được đẩy lên cao. Hiện, nhà nước ấn định là 1.050 đồng/lít đối với xăng, so với 2008-2010, đã tăng khoảng từ 50-70% tuỳ loại mặt hàng xăng dầu. Hai yếu tố này tổng hoà lại đã kích giá xăng dầu cao hơn giai đoạn 2008-2010.
Bỏ Quỹ Bình ổn để dân mua giá thấp?
Một yếu tố quan trọng quyết định đến giá xăng dầu là Quỹ Bình ổn. Thực tế, có những thời điểm nếu không trích quỹ, giá mặt hàng này sẽ có cơ hội tiến sát với giá xăng dầu thế giới. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khẳng định sự tồn tại của quỹ này là cần thiết. Tuy vậy, khi diễn biến giá xăng dầu không quá “sốc” như diễn biến từ đầu năm tới nay, vai trò của quỹ lại khá mờ nhạt.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 4/8, cùng với “mệnh lệnh” giảm giá xăng của Liên bộ Công Thương - Tài chính, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá được giữ nguyên 0 đồng/lít. Trong khi đó, quỹ này tiếp tục được trích lập 300 đồng/lít đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Đáng nói, mức trích lập này đã được duy trì khá dài, bất kể diễn biến giá xăng dầu trên thị trường tăng hay giảm.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng về mặt khoa học thì Quỹ Bình ổn giá tỏ ra khá “vô thưởng vô phạt” trong việc bình ổn giá xăng dầu. Trên thực tế, quỹ chỉ thực sự phát huy tác dụng khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng đột biến với biên độ cực lớn.
Ngay từ khi Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu còn hiệu lực, đã có rất nhiều ý kiến góp ý nên loại bỏ quỹ này trong cơ cấu giá xăng bởi nó khiến giá mặt hàng này bị “bóp méo” so với giá thực song kết quả là quỹ tiếp tục được tồn tại. Giá xăng bán lẻ trong nước dù có tiến sát với thị trường xăng dầu thế giới đi chăng nữa thì cũng vẫn còn khoảng cách: Khoảng cách đó là 300 đồng/lít cho quỹ mà người tiêu dùng phải bỏ thêm thay vì được mua giá thấp hơn.
Tác giả bài viết: H.Phương