Thế giới

Francois Hollande - Tổng thống bình dân của nước Pháp

Tổng thống Pháp Francois Hollande nổi tiếng với biệt danh "Ngài Bình dân" vì phong cách sống giản dị, gần gũi.

Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: Reuters


Francois Hollande sinh ngày 12/8/1954 trong một gia đình trung lưu tại Rouen, thành phố nằm bên bờ sông Seine, phía bắc nước Pháp. Cha ông, Georges Gustave Hollande, là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và từng tham gia các cuộc bầu cử địa phương. Mẹ ông là một nhân viên xã hội. Nhiều người cho rằng tổ tiên dòng họ Hollande có nguồn gốc từ Hà Lan.

Tham gia chính trường từ sớm

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hollande lần lượt theo học tại Đại học Thương mại Haute, Trường Hành chính Quốc gia và Viện Nghiên cứu Chính trị Paris.

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia vào năm 1980, Hollande làm việc cho Tòa án Kiểm toán thuộc chính phủ Pháp. Ông từng tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống của Francois Mitterrand, chủ tịch đảng Xã hội, năm 1974 khi vẫn là sinh viên.

Jaques Attali, cố vấn cho Mitterrand, phát hiện ra tiềm năng của Hollande và sắp xếp để ông chạy đua vào quốc hội Pháp năm 1981 với tư cách ứng viên đại diện vùng Correze. Đối thủ của ông là Jacques Chirac, người sau này trở thành thủ lĩnh đảng Tập hợp vì nền cộng hòa và là tổng thống Pháp từ năm 1995 đến 2007. Hollande thua Chirac ngay từ vòng một, song ông lại được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt cho tổng thống Francois Mitterrand vừa đắc cử cùng năm.

Khi nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Mitterrand sắp kết thúc, đảng Xã hội bị giằng xé bởi mâu thuẫn nội bộ. Hollande kêu gọi các phe phái đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Jacques Delors, chủ tịch Ủy ban châu Âu lúc bấy giờ. Nhưng Delors tuyên bố không có ý định chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống tương lai. Vì thế đảng Xã hội bầu Lionel Jospin làm Bí thư thứ nhất. Jospin bổ nhiệm Hollande vào vị trí phát ngôn viên chính thức của đảng Xã hội.

Năm 1997, Jospin trở thành thủ tướng Pháp và để lại chức vụ Bí thư thứ nhất cho Hollande. Ông Hollande giữ chức vụ này suốt 11 năm. Do đảng Xã hội có ảnh hưởng rất lớn trong chính phủ Pháp vào khoảng thời gian đó nên không ít người coi Hollande là "phó thủ tướng".

Năm 2001, ông được bầu làm thị trưởng thành phố Tulle và đảm nhận cương vị trên trong 7 năm.

Năm 2008, Hollande thông báo từ chức Bí thư thứ nhất của đảng nhưng ngay sau đấy ông lại được bầu làm Chủ tịch Hội đồng vùng Correze.

Tháng 3/2011, ông tham gia cuộc bầu cử trong đảng Xã hội để trở thành ứng viên đại diện đảng tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Ban đầu, ưu thế thuộc về nhà kinh tế Dominique Strauss-Kahn, người giữ chức tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi đó. Nhưng với việc Strauss-Kahn bị bắt tại Mỹ do nghi án hiếp dâm một cô hầu phòng khách sạn vào tháng 5/2011, Hollande đã trở thành ứng viên sáng giá hơn cả trong các cuộc thăm dò dư luận.

Tháng 10/2011, Hollande vượt qua Martine Aubry, Bí thư thứ nhất đảng Xã hội, để trở thành ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, đối đầu trực tiếp với tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy.

Ngày 6/5/2012, ông Hollande chính thức được bầu làm Tổng thống Pháp với 51,7% phiếu bầu.

"Ngài Bình dân"

Hollande được mệnh danh là "Ngài Bình dân" vì phong cách sống giản dị cũng như lượng tài sản "khiêm tốn" nếu so sánh với đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 năm là ông Sarkozy.

Năm 2012, trước lễ nhậm chức, ông Hollande đã công khai tài sản cá nhân của mình. Theo đó, ông sở hữu một biệt thự hạng trung trên đồi Cannes và hai ngôi nhà nhỏ khác ở phía Nam, tổng trị giá khoảng 1,17 triệu euro, tương đương gần 1,5 triệu USD theo tỷ giá lúc bấy giờ.

Ông Hollande không sở hữu cổ phiếu nào. Ông có mua một chương trình bảo hiểm nhân thọ trị giá chỉ 3.550 euro, đồ đạc trong gia đình trị giá 15.000 euro và tài khoản ngân hàng lúc ấy có 8.258 euro.

Trong khi đó, tài sản của tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy lớn hơn nhiều, bởi chỉ riêng hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của ông đã có giá khoảng 2,58 triệu euro ( hơn 3,3 triệu USD). Một số tài sản khác như tranh ảnh, đồng hồ, tượng... có giá lên tới hàng trăm nghìn euro.

Ông Hollande từng phải thuê phòng ở Paris trước khi ra tranh cử và luôn nổi tiếng với việc lái xe mô tô chạy khắp thủ đô. Ông từng cam kết rằng một trong những việc làm đầu tiên khi lên nắm quyền là lập một dự luật giảm 30% lương tổng thống và tất cả các bộ trưởng.

Thách thức

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters


Hiện tại, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền ông Hollande.

Pháp những năm gần đây liên tục chấn động bởi những vụ khủng bố đẫm máu, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Vụ tấn công tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở trung tâm thủ đô Paris khiến 17 người chết hồi năm ngoái là mở đầu cho hàng loạt thảm kịch mà nước Pháp phải hứng chịu bởi những kẻ tấn công khủng bố có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Đến tháng 11, chuỗi vụ xả súng và đánh bom tại nhiều địa điểm khác nhau ở Paris tiếp tục khiến cả thế giới phải bàng hoàng bởi mức độ táo bạo của những kẻ tấn công. Vụ việc khiến 130 người chết cùng hơn 350 người bị thương.

Gần đây nhất, hồi tháng 7, một kẻ có liên quan tới IS lao xe vào đám đông đang đi bộ tại thành phố Nice vào đúng ngày Quốc khánh, cướp đi sinh mạng của 86 người, đồng thời làm 434 người bị thương.

Ông Hollande đã khẳng định nước Pháp cần "tiến hành một cuộc chiến toàn diện với IS bằng tất cả các phương tiện sẵn có".

Mặt khác, những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng di cư cũng đang đặt ra thách thức đối với chính quyền ông Hollande nói riêng và toàn bộ châu Âu nói chung. Giới chuyên gia đánh giá các phần tử khủng bố hoàn toàn có thể trà trộn trong dòng người tị nạn để đến Pháp rồi âm thầm lên kế hoạch tấn công.

Tỷ lệ thất nghiệp không có chiều hướng đi xuống là một vấn đề khác đang khiến Tổng thống Hollande phải đau đầu. Hồi tháng 4, ông tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào năm 2017 nếu tỷ lệ thất nghiệp không giảm.

Ông Hollande đang có chuyến thăm tới Việt Nam kéo dài tới ngày 7/9 sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Chuyến thăm đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Pháp đến Việt Nam trong 12 năm.

Giới quan sát nhận định chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam thể hiện mong muốn xích lại gần Đông Nam Á, đẩy mạnh tốc độ xoay trục sang châu Á của cường quốc hàng đầu châu Âu này.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP