Số hóa

Facebook và Instagram có thể phải đóng cửa tại thị trường quan trọng

Meta đã thừa nhận khả năng đóng cửa Facebook và Instagram tại thị trường châu Âu.

Trong bản báo cáo tài chính quý IV/2021 vừa được gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram) cho biết công ty sẽ cân nhắc khả năng dừng hoạt động 2 nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram tại thị trường châu Âu.

Nguyên do của điều này bắt nguồn từ việc các nhà quản lý của Liên minh châu Âu hiện đang soạn thảo một luật mới, yêu cầu các hãng công nghệ thu thập dữ liệu người dân sống tại các quốc gia thuộc EU buộc phải lưu trữ và xử lý các dữ liệu này trên các máy chủ đặt tại châu Âu. Tuy nhiên, hiện dữ liệu người dùng EU đang được Facebook xử lý tại các máy chủ đặt ở Mỹ.

Facebook và Instagram có thể sẽ phải ngừng hoạt động tại thị trường châu Âu (Ảnh: AFP).

Meta cho biết việc xử lý dữ liệu người dùng tại các quốc gia khác nhau là rất quan trọng cho quá trình nhắm mục tiêu kinh doanh và quảng cáo, do vậy, nếu không có một khung pháp lý mới nào được thông qua, Meta đe dọa sẽ rút hai nền tảng mạng xã hội lớn nhất của hãng là Facebook và Instagram khỏi châu Âu.

"Nếu không thể chuyển dữ liệu giữa các quốc gia và khu vực mà chúng tôi đang hoạt động, hoặc chúng tôi bị hạn chế chia sẻ dữ liệu giữa các sản phẩm và dịch vụ của mình, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ của chúng tôi hoặc khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo đến người dùng. Chúng tôi sẽ không thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của mình, bao gồm Facebook và Instagram, tại thị trường châu Âu", Meta tuyên bố trong bản báo cáo nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.

Theo Meta, việc 2 nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram ngừng hoạt động tại châu Âu không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng mà còn gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại châu Âu, dựa vào các quảng cáo và quảng bá sản phẩm thông qua Facebook và Instagram.

Tuy nhiên, các nhà quản lý của Liên minh châu Âu vẫn thể hiện thái độ cứng rắn trước động thái của Meta.

"Meta không thể đe dọa EU để từ bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu người dân của chúng tôi", Axel Voss, Đại biểu nghị viện châu Âu, viết trên trang Twitter cá nhân sau khi có thông tin Meta sẽ đóng cửa Facebook và Instagram tại châu Âu. Voss cũng khẳng định rằng Meta sẽ là phía chịu thiệt hại nhiều nhất nếu rút khỏi thị trường châu Âu.

Trước đó, vào tháng 7/2020, Tòa án Công lý Châu Âu, cơ quan pháp lý cao nhất của Liên minh châu Âu, đã phán quyết rằng các tiêu chuẩn truyền dữ liệu giữa Liên minh châu Âu và Mỹ không bảo vệ đầy đủ quyền riêng tư của công dân châu Âu.

Kể từ thời điểm đó cho đến nay, EU và Mỹ đã cố gắng để đạt được một thỏa thuận mới về việc truyền và xử lý dữ liệu công dân tại châu Âu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Meta, Google… hy vọng một thỏa thuận mới sẽ đạt được vào năm nay, giúp giải quyết các vấn đề về dữ liệu người dùng tại châu Âu.

Nếu không có thỏa thuận mới nào đạt được giữa Mỹ và châu Âu, Meta sẽ buộc phải loại bỏ phần lớn dữ liệu người dùng tại châu Âu mà họ thu thập được và nếu vẫn cố tình vi phạm, thu thập dữ liệu người dân châu Âu, Meta có thể bị phạt 4% doanh thu hàng năm, tương đương khoảng 2,8 tỷ USD.

Tác giả: T.Thủy

Nguồn tin: Báo Dân trí



BÀI MỚI ĐĂNG

TOP