Thế giới

F-35: Hiện thân của "thần sấm" F-105 thời chiến tranh Việt Nam

Chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 không thể chuyển hướng đủ nhanh để chiến thắng mẫu tiêm kích thế hệ cũ F-16 trong bài kiểm tra khả năng cận chiến vào năm 2015. Như vậy, làm cách nào để mẫu máy bay này chống lại những đối thủ có khả năng linh hoạt cao của Trung Quốc và Nga?

Hơn 50 năm trước, không quân Mỹ đã phát triển máy bay F-105 Thunderchief với các công nghệ hiện đại nhất thời đó, nhằm đảm bảo nó có thể diệt mục tiêu trên đất liền lẫn đủ sức đánh bại máy bay đối phương.

Tuy nhiên, tình hình thực chiến lại cho thấy chiếc F-105, giống như F-35 hiện nay, không có khả năng linh hoạt cao như những chiếc MiG-21 nhỏ hơn trong chiến tranh Việt Nam.

F-105 còn có biệt danh là "thần sấm"


Nhà phân tích hàng không người Úc Carlo Kopp nhận định, có một sự trùng hợp rõ ràng giữa chiếc F-35 ngày nay với chiếc F-105 thời chiến tranh Việt Nam. Cả F-35 và F-105 đều là loại máy bay tấn công loại lớn, 1 chỗ ngồi, 1 động cơ với sải cánh gần 13m. Chúng đều có khoang chứa vũ khí trong bụng và các móc treo dưới cánh, cũng như bán kính tác chiến khoảng 650 km.

Không quân Mỹ đã mua 833 chiếc F-105 và đã thiệt hại ít nhất 334 chiếc ở chiến tranh Việt Nam trong thời gian từ năm 1965 đến 1970. Những chiếc MiG của Việt Nam được cho bắn rơi 22 máy bay F-105 trong khi F-105 hạ được 27 chiếc MiG, tỉ lệ có thể được coi là cân bằng.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc dường như không hài lòng với kết quả này. Để cải thiện chiến thuật của mình, vào năm 1969, không quân Mỹ đã tiến hành bài thử nghiệm cận chiến giữa F-105 và một chiếc MiG-21 từng thuộc về Iraq. Trên thực tế, chiếc MiG-21 này do một phi công Iraq đào ngũ mang sang Israel và phía Israel đã cho Mỹ mượn nhờ quan hệ đồng minh thân cận giữa 2 nước.

Cuộc thử nghiệm trên đã diễn ra theo chiều hướng không hề tốt đẹp cho F-105. Nếu F-105 bay từ phía sau chiếc MiG-21 và phi công MiG không biết điều đó, nó có thể tiêu diệt được chiếc MiG ở tốc độ cao.

Tuy nhiên, khi F-105 và MiG-21 đối đầu nhau trực tiếp, máy bay Mỹ sẽ gặp vấn đề. "Nếu các động tác tấn công của F-105 diễn ra quá lâu, nó sẽ dễ dàng bị phản công do mất năng lượng và cơ động kém”, báo cáo của không quân Mỹ cho hay.

Chiến đấu cơ tàng hình F-35


Trong cuộc thử nghiệm cận chiến gần đây chống lại F-16, phi công F-35 đã phàn nàn một tình huống tương tự khi cho biết, chiếc máy bay tàng hình không thể xoay chuyển dễ dàng và không nhanh nhẹn như F-16.

Nếu trong quá khứ, F-105 vẫn có lợi thế về tốc độ với các đối thủ khi bay ở đường thẳng thì F-35 của ngày nay lại chậm hơn những chiến đấu cơ thế hệ 5 khác như T-50 của Nga và J-20 hay J-31 của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều may mắn là F-35 lại được trang bị công nghệ tàng hình vượt trội, lĩnh vực mà Mỹ vẫn tạo được khoảng cách khá xa với Nga và Trung Quốc. Khả năng này giúp F-35 có thể tránh được việc bị phát hiện bởi các loại radar tầm xa trong những trường hợp nhất định.

Do đó, theo chuyên gia Kopp, để F-35 sống sót trong các cuộc chiến tranh tương lai, không quân Mỹ cần phải phát triển chiến thuật hợp lí trong đó tối ưu hóa lợi thế tàng hình của chiếc máy bay này.

Tác giả bài viết: Minh Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP