Trong nước

EVN thu về bao nhiêu tiền khi giá điện tăng thêm 8,36%?

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện thêm 8,36% từ ngày 20/3.

Bộ Công Thương đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh) kể từ ngày 20/3.

Theo Bộ Công Thương, mức giá bán lẻ điện này nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2017 và theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 mức tăng này do Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang

Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.

Trả lời câu hỏi của PV về số tiền EVN thu được từ việc điều chỉnh tăng thêm 8,36% giá điện lần này tại cuộc họp báo cuối giờ chiều ngày 20/3, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện từ ngày 20/3. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này sẽ được EVN chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN... đáng lý phải trả cách đây 2 năm nhưng đã bị treo lại.

Cụ thể, EVN sẽ chi trả cho chênh lệch giá khí trong bao tiêu gần 6.000 tỷ, chênh lệnh tỷ giá ngoài EVN là hơn 3.000 tỷ đồng, thanh toán cho nhà đầu tư về quyền khai thác tài nguyên nước trong giá điện trước đây chưa có... "Tổng thanh toán gần 21.000 tỷ và EVN gần như trung gian thu trả lại cho các đối tác là cung cấp than, khí, nhà máy điện bán điện cho EVN và thuế. Những chi phí này EVN không thể cáng đáng và phải thanh toán", ông Tri nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, giá điện được điều chỉnh dựa vào các yếu tố đầu vào tác động đến khâu phát điện ở cơ cấu nguồn huy động.

EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện từ ngày 20/3

Với giá nhiên liệu đầu vào, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ 5/1/2019 giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến hơn 7% tuỳ từng loại than, tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Cùng với giá điện, trong ngày 20/3, giá than than của TKV cũng tăng hơn 3%, than Đông Bắc khoảng 5% tăng và ước chi phí các khoảng này tăng hơn 2.000 tỷ đồng. Một số nhà máy điện của EVN và nhà máy điện ngoài sử dụng than trộn trong nước và nhập ngoại, là than mua của TKV tăng ước khoảng 1.921 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tuấn, năm 2019 chúng ta chính thức thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than, đây là những yếu tố chính tác động tăng giá đối với than. Đối với khí, trước 20/3 có 2 loại khí, cùng ngày điều chỉnh giá điện, toàn bộ khí bán cho nhà máy điện bao gồm trong và trên bao tiêu đều thực hiện theo giá thị trường. Ước làm tăng thêm chi phí sản xuất điện khoảng hơn 5.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, EVN phải thanh toán nhiều khoản bằng ngoại tệ (như giá khí hoàn toàn trả theo USD)… yếu tố tính toán mức tăng giá điện từ chi phí đầu vào điều chỉnh giá điện trên cơ sở tất cả tiêu chí đầu vào, tính toán phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của PV về cơ sở tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, giá điện tăng 8,36% trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào ở tất cả khâu, phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo... tính toán giá điện 2019. "Phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản tăng 8,36%. Mức điều chỉnh này cũng đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ” ông Tuấn cho biết thêm.

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá tại Quyết định 28/2014. Do cơ cấu tiêu thụ điện thay đổi, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được điều chỉnh +- 2% so với tỷ lệ được quy định.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai thực hiện tổ chức công bố công khai và thực hiện việc điều chỉnh giá điện đến tất cả các hộ sử dụng điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.

Riêng về tác động của tăng giá điện đến các chỉ số của nền kinh tế, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Cụ thể, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3% - 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Tác giả: Yến Nhi

Nguồn tin: vnmedia.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP