Nhân ái

"Em nuôi của Đoàn" nâng bước học sinh nghèo

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp thêm động lực, vượt lên số phận, chinh phục ước mơ thông qua mô hình “Em nuôi của Đoàn”.

Mô hình do Ban Thanh niên, Công an tỉnh Quảng Bình triển khai từ đầu năm 2017 và nhanh chóng được nhân rộng ra toàn tỉnh theo từng cấp cơ sở đoàn từ công an tỉnh đến công an xã.

Những hoàn cảnh được nhận làm em nuôi là các trường hợp khó khăn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi cha mẹ nhưng có ý chí vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, mô hình này còn được triển khai đối với con em trong lực lượng Công an nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, mắc các bệnh hiểm nghèo...

Chi đoàn Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình thăm, động viên em nuôi Trương Nguyễn Quốc Sơn. Ảnh do đơn vị cung cấp

Nguồn kinh phí để duy trì mô hình và hỗ trợ các em nuôi chủ yếu là từ nguồn đóng góp của đoàn viên, thanh niên trong từng cơ sở đoàn. Thượng úy Trình Văn Quân, Phó trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sau những chuyến đi công tác, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn tỉnh, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây đều là những mầm non tương lai của đất nước, cần được yêu thương, bao bọc và phát triển. Chính vì vậy, mô hình được nhân rộng nhằm tiếp thêm động lực cho các em học tập và vượt lên số phận”.

Ngoài việc động viên, thăm hỏi, tặng quần áo, cặp sách, phương tiện đi lại vào dịp đầu năm học, dịp lễ, Tết... hằng tháng, tùy vào kinh phí và hoàn cảnh của từng trường hợp, các em nuôi của Đoàn sẽ được nhận số tiền hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Suốt hành trình 8 năm triển khai mô hình, Ban Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình đã đỡ đầu và đồng hành với hàng trăm học sinh trên địa bàn.

Với sự chăm sóc cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, nhiều em nuôi đã được tiếp thêm sức mạnh để chinh phục ước mơ; trong đó phải kể đến trường hợp của em Trương Nguyễn Quốc Sơn, sinh năm 2007, ở tổ 8, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới. Bố mẹ Sơn ly hôn khi em còn nhỏ, em ở với bà nội từ những năm học Tiểu học. Năm 2021, Chi đoàn Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình nhận Sơn làm em nuôi. Đến năm 2024, Sơn thi đỗ vào Trường Sĩ quan Thông tin. Bà Lê Thị Đoán, bà nội của Sơn, tâm sự: “Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, đoàn viên Chi đoàn Phòng Kỹ thuật hình sự suốt những năm học THPT mà cháu tôi có động lực phấn đấu và có được niềm vui này”.

Mô hình "Em nuôi của Đoàn" được triển khai không chỉ phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” mà còn thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện vì sự phát triển của cộng đồng trong đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình nói riêng, tuổi trẻ Việt Nam nói chung.

Tác giả: Thúy Hằng

Nguồn tin: qdnd.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP