Bạn cần biết

Dùng thuốc sai cách, gây nguy hiểm cho trẻ

Trong thực tế, khi trẻ bị ốm, nhiều trường hợp người lớn không đưa trẻ đi khám mà tự điều trị tại nhà, dẫn tới việc dùng thuốc không đúng, gây nguy hiểm hoặc làm ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ.

Tự chẩn bệnh rồi kê đơn thuốc

Có rất nhiều lý do để người lớn tự “chẩn bệnh” rồi “kê đơn” dùng thuốc cho trẻ, nhất là với các bệnh về đường hô hấp như ho, sốt, viêm họng... Thuốc ho và kháng sinh hay bị các bậc cha mẹ “kê đơn” nhiều nhất.

Thực tế cho thấy, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho này, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt. Thế nhưng trẻ vừa ho đã được bố mẹ cho dùng thuốc là chưa hợp lý, chưa kể xem đó là loại ho nào: Ho đờm hay ho khan, mà mỗi loại ho lại có thuốc điều trị khác nhau.

Hoặc phần lớn các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên là do virut, nên việc dùng kháng sinh là không cần thiết, vừa tốn kém, vừa tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc và nguy cơ gặp các tác dụng phụ có hại của thuốc, phổ biến là tiêu chảy do thuốc kháng sinh...

Không bẻ thuốc của người lớn dùng cho trẻ nhỏ.

Cũng do việc tự chẩn bệnh nên việc dùng thuốc đôi khi là không đúng bệnh đã gây hậu quả khó lường. Ví dụ, vitamin D hiện nay có mặt rất nhiều trong các loại thuốc bổ tổng hợp (tăng cường sức khỏe). Các thuốc này thường không cần kê đơn và người bệnh lại mua chúng một cách dễ dàng. Nếu dùng đúng bệnh, đúng liều (với những trẻ bị thiếu) sẽ làm cho xương phát triển, đứa trẻ sẽ cao hơn và không bị còi xương.

Ngược lại nếu dùng không đúng đối tượng (trẻ không thiếu), không đúng liều (quá liều) sẽ làm cho đứa trẻ bị ngộ độc như nôn, trớ, co giật... nếu quá liều nữa sẽ làm cho đứa trẻ bị lùn đi do xương bị cốt hóa nhanh mà không phát triển dài ra được.Vitamin A rất cần đối với trẻ suy dinh dưỡng nhưng nếu dùng quá liều với trẻ còn bú sẽ làm cho trẻ bị ngộ độc như nôn, sốt, thóp phồng, co giật, vàng da... Việc dùng thuốc bừa bãi đối với trẻ em còn làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển cơ thể của trẻ.

Lấy thuốc của người lớn cho trẻ em dùng

Khi trẻ bị bệnh, nhiều người thường có thói quen lấy thuốc của người lớn cho trẻ em uống. Điều này dẫn tới việc dùng thuốc không đúng liều lượng (trong khi đó liều lượng dùng thuốc ở trẻ em là rất chặt chẽ, tính theo mg/kg cân nặng). Nếu không đủ liều sẽ không có hiệu quả chữa bệnh. Nếu quá liều rất dễ gây ngộ độc cho trẻ nhất là với trẻ nhỏ, đặc biệt đối với những thuốc có khoảng cách liều điều trị và liều gây độc thấp. Vì vậy, đừng bắt trẻ phải dùng dạng thuốc của người lớn mà cố gắng tìm đến các dạng bào chế thích hợp dùng cho trẻ.

Dùng lại đơn thuốc cũ

Dùng lại đơn thuốc cũ cũng là tình trạng phổ biến ở một số bà mẹ. Khi bị các bệnh đường hô hấp, trẻ hay bị tái đi tái lại. Tuy nhiên lần bị bệnh sau (mặc dù có cùng triệu chứng) nhưng tính chất của bệnh chưa chắc đã giống lần bệnh trước. Vì vậy, việc dùng đơn thuốc cũ sẽ không những không khỏi bệnh mà còn làm cho bệnh nặng thêm, mất cơ hội được điều trị đúng thời điểm nên việc chữa trị sẽ phức tạp hơn...

Lời khuyên của thầy thuốc

Ở trẻ em các chức năng về gan, thận, sinh dục... chưa hoàn chỉnh, cơ thể trẻ đang lớn và phát triển nên việc dùng thuốc ở trẻ em phải rất thận trọng. Để dùng thuốc một cách an toàn và hiệu quả cho trẻ, cần:

Khi trẻ bị ốm nên đưa trẻ đi khám bệnh để có chỉ định dùng thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc thích hợp. Liều lượng thuốc cho trẻ cần phải được điều chỉnh theo đặc điểm dược động học riêng của từng thuốc, theo tuổi (yếu tố quyết định chính), tình trạng bệnh, giới tính và theo nhu cầu của từng bệnh nhi. Nếu không có thể dẫn đến điều trị không hiệu quả hoặc có nguy cơ nhiễm độc.

Chọn dạng thuốc dùng thích hợp cho trẻ: Đối với trẻ nhỏ nên chọn dùng dạng thuốc lỏng như bột pha dung dịch, hỗn dịch, siro... Với trẻ lớn, nuốt được có thể dùng dạng thuốc cốm, thuốc viên (có kích thước nhỏ)...

Dùng đúng dụng cụ đong, đo có trong mỗi chai, lọ thuốc: Trong mỗi chai, lọ thuốc dùng cho trẻ em thường đi kèm là các dụng cụ để đong thuốc, có thể là cốc, muỗng, ống đếm giọt... Những “thiết bị cung cấp liều lượng” này thường có những vạch đo lường đánh dấu số ml (mililit) trên chính thiết bị đó. Cần sử dụng các thiết bị cung cấp liều lượng đi kèm với mỗi loại thuốc này để đong thuốc mà không được sử dụng các dụng cụ đo lường khác như thìa chúng ta dùng ăn hàng ngày trong nhà bếp vì có thể sẽ cung cấp sai liều lượng thuốc. Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc trực tiếp từ chai, lọ thuốc (tu thuốc). Sau mỗi lần sử dụng thuốc cần đậy chặt nắp lọ, chai thuốc và để xa tầm với của trẻ, để tránh tình trạng trẻ bị ngộ độc thuốc do vô tình uống phải.

Theo dõi chặt chẽ những phản ứng phụ của thuốc: Có hai loại phản ứng: phản ứng nhanh (sốc phản vệ xảy ra ngay tức khắc) và phản ứng muộn (thường xảy ra trong thời gian sau đó thậm chí có thể xuất hiện sau 10-15 ngày dùng thuốc). Nếu trong quá trình dùng thuốc thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng (hoặc các biểu hiện) bất thường hoặc bệnh nặng hơn... cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời.

Tác giả: Ds. Hoàng Thu Thủy

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP