Hiện nay, không hiếm để bắt gặp cảnh những người bán hàng ở chợ hoặc các gánh hàng rong thường dùng giấy báo để bọc bánh kẹo, xôi, thức ăn… Ngoài ra, người ta còn dùng giấy báo để lót thức ăn vì sợ dơ bàn hoặc chiếu ăn. Việc gói thực phẩm bằng giấy báo mang đến nhiều tiện lợi ích cho người bán vì chi phí rất rẻ. Một chồng báo cũ giá chỉ có vài ngàn đồng nhưng lại gói được vô số đồ. Còn đối với người mua, cách làm này vừa đơn giản vừa tiện lợi.
Không chỉ vậy, nhiều người vì lo sợ gói thức ăn bằng bao nilon nguy hại cho sức khỏe nên mới dùng giấy báo để thay thế vì họ nghĩ rằng giấy báo thì an toàn hơn cho sức khỏe. Thế nhưng, sự thật thì sao?
Việc dùng giấy báo để gói thức ăn lại mang đến nhiều nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. (Ảnh minh họa).
Gây thiếu máu, rối loạn ý thức
Việc dùng giấy báo để gói thức ăn lại mang đến nhiều nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. Vì trong giấy báo chứa nhiều hóa chất độc hại, ví dụ như chì. Tùy theo từng loại mực in, giấy in mà mức độ nhiễm chì sẽ khác nhau, nhưng chắc chắn rằng chì sẽ đi từ giấy báo vào thực phẩm và cơ thể bạn sẽ bị nhiễm chì. Chúng ta có thể thấy điều này khi tay mình bị nhuộm đen sau khi cầm tờ báo đọc. Những tờ báo ra lò đầu tiên thì sẽ có mức độ nhiễm chì cao hơn.
Theo các bác sĩ, nhiễm độc chì có thể gây thiếu máu, rối loạn ý thức, đau đầu, co giật, chậm phát triển chiều cao, viêm gan và ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ. Biểu hiện của điều này là việc trí nhớ bị suy giảm, ù tai, hoa mắt.
Điều đặc biệt nguy hiểm là những tác hại của việc nhiễm chì không bộc lộ ngay mà cơ thể sẽ tích tụ trong suốt một thời gian dài, đến khi đạt đến ngưỡng giới hạn thì nó mới bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy mà nhiều người không thấy được tác hại của nó nên vẫn cứ vô tư sử dụng giấy báo để gói thức ăn.
Thông tin trên Trí thức trẻ, theo TS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Hóa học Công nghiệp, điều nguy hiểm chính là chì khi thâm nhập vào cơ thể không gây phản ứng ngay mà tích lũy lại. Khi hàm lượng chì đạt đến một ngưỡng nhất định, nó sẽ "tấn công" sức khoẻ con người. Biểu hiện của điều này, đó là việc suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt... Đó là chưa kể đến chuyện trước khi được dùng để gói thực phẩm, tờ báo thường "rong ruổi" qua nhiều khâu, từ nhà in, qua đường phố, đến tay bao người đọc và người thu gom. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển.
Ngoài ngộ độc chì, nguy cơ nhiễm khuẩn do giấy báo cũng khá cao. (Ảnh minh họa).
Nhiễm khuẩn do giấy báo
Thông tin trên VTC News, ngoài ngộ độc chì, nguy cơ nhiễm khuẩn do giấy báo cũng khá cao khi những tờ giấy báo đi từ nhà máy sản xuất đến các sạp hàng bán báo và qua tay người đọc, sau đó đến các nhà thu mua phế liệu và đồng nát rồi mới đến tay của các chủ hàng bán xôi và bán bánh.
Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển. Không chỉ giấy sách, báo mà giấy trắng cũng vô cùng độc hại, bởi trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi việc sử dụng chất tẩy rửa. Chất tẩy rửa này, sau khi tiếp xúc với thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng hóa học, kết quả là những chất gây hại lưu lại trên thực phẩm. Nếu ăn những thực phẩm ấy trong thời gian dài có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy hại đến tính mạng.
Theo bà Nguyễn Khánh Trâm – Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 28-11-2005, Bộ Y tế đã có Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT quy định: Thiết bị, dụng cụ chế biến bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác.
Nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm như giấy báo, nhựa tái sinh… Hằng năm, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiến hành kiểm tra và xử phạt các cơ sở cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng bao bì gây ô nhiễm thực phẩm trong quy định trên và Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, nhiều cơ sở, cá nhân vẫn cố tình vi phạm về phía người tiêu dùng vì không thấy hậu quả tức thời, nên nhiều người dù biết vẫn tặc lưỡi cho qua.
Theo PGS-TS Nguyễn Công Khẩn, khi người tiêu dùng và đặc biệt là Hội Bảo vệ người tiêu dùng không lên tiếng mạnh mẽ thì chỉ riêng cơ quan chức năng không thể giải quyết triệt để được vấn đề này. Và nguy cơ nhiễm hóa chất vẫn còn treo lơ lửng.
Tác giả bài viết: Ngọc Anh