Sức hút của Ngày hội không chỉ có nhiều hoạt động phong phú mà còn giúp du khách biết nhiều loại thương hiệu nông sản, trái cây đặc sản, các loại bánh ngon, món ngon của địa phương.
Đông đảo du khách tham quan các mô hình nghệ thuật từ trái cây ngon. |
Những ngày cuối tuần, Ngày hội trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách phương xa.Với hơn 190 gian hàng, trong đó có 40 gian hàng quảng bá các sản phẩm, đặc sản các quận huyện và tỉnh bạn, mang đến cho khách tham quan cơ hội được biết đến và thưởng thức các loại cây trái ngon, các món ăn đặc trưng của người dân miền Tây Nam bộ. Ông Nguyễn Thành Dũng (Kiên Giang), cho biết: “Tôi không chỉ ấn tượng đến các loại trái cây đặc sản của Phong Điền như dâu Hạ Châu, măng cụt mà còn biết đến một vài sản vật đã lâu rồi không thấy, đó là ngó môn, dưa môn của huyện Cờ Đỏ. Món ăn dân dã này không phải ai hiện nay cũng biết, nó gắn liền với nét sinh hoạt của người dân miền Tây. Ngày hội là nơi quy tụ nhiều loại sản vật đặc trưng thế này thì rất là hay, đặc biệt với những du khách thích tìm hiểu văn hóa về một vùng đất”. Dạo một vòng ở các gian hàng, du khách còn có thể góp nhặt nhiều đặc sản độc đáo của từng địa phương, như: bánh đa Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), bánh phồng, kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng Tây Ninh…Trong đó, không ít du khách bị thu hút trước những mô hình nghệ thuật trái cây ngon của Phong Điền. Các mô hình sử dụng các loại trái cây đặc sản như: cam, ổi, dâu, bưởi, ca cao…tạo hình độc đáo thu hút không ít khách tham quan đến thưởng lãm và chụp ảnh. Chị Trần Thị Thanh Thúy (Ninh Kiều), nói: “Những mô hình này không chỉ giới thiệu được trái ngon địa phương mà còn cho thấy được sự sáng tạo của người nông dân, tạo cho sản phẩm thêm giá trị. Đây cũng là cách quảng bá hay bởi vì thông qua những bức ảnh du khách chụp cũng góp phần gián tiếp giới thiệu cho địa phương”.
Du khách thưởng thức món bánh xèo đa sắc. |
Tại Phiên chợ quê – hoạt động mới của Ngày hội năm nay, cũng có khoảng 15 gian hàng, trong đó chủ yếu là giới thiệu các sản vật, ẩm thực, làng nghề truyền thống của người dân miền Tây. Tại gian hàng của Câu lạc bộ Bếp ngon Phương Nam thu hút không ít du khách đến thưởng thức hai món ăn có tên khá lạ: cốm dẹp mặn và bánh xèo đa sắc. Sở dĩ có hai cái tên là bởi đó là những món ăn truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt bình dân của người miền sông nước Tây Nam bộ, nhưng được các đầu bếp sáng tạo, nâng chất thêm để tạo cho các đặc sản vốn bình dị, dân dã thêm sắc màu mới. Chẳng hạn như, bánh xèo đa sắc ngoài màu vàng truyền thống làm từ bột nghệ, còn có thêm sắc cam làm gấc, sắc tím làm từ củ dền, hay sắc lam làm hoa đậu biếc…Ông Phạm Bửu Việt- Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Bếp ngon Phương Nam, chia sẻ: “Đây là lần đầu CLB tham gia Ngày hội, qua đó cũng mong muốn sẽ giới thiệu với du khách những món ngon đặc sắc của người dân Nam bộ. Thực ra thì đây cũng là những món ăn bình dị thôi, bất kỳ vùng quê miền Tây cũng có thể bắt gặp, nhất là trong các dịp lễ hội truyền thống. Tuy nhiên ở đây chúng tôi mang đến cho du khách một góc nhìn mới về các món truyền thống, nó được biến tấu để tạo hương sắc hơn trên cơ sở sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để làm cho món ăn thêm hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn, tốt cho sức khỏe”. Chị Lê Hoài An (Hà Nội), nói: “Tôi nghĩ đây là món ăn khá hấp dẫn không chỉ về sắc mà còn hương vị, nhất là thấy được sự dụng công của người chế biến. Thiệt ra, miền Tây Nam bộ có rất nhiều món ăn dân dã độc đáo và với du khách như chúng tôi thì rất thích được thưởng thức những món ăn như thế này”. Ngày hội thực sự mang đến nhiều bánh ngon, ẩm thực ở vùng sông nước, như: bánh hỏi mặt võng Út Dzách, bánh xèo gấc Vũ Bình, bánh quai vạc của nhà vườn Tuấn Tường… Ở đó, cũng có không ít các cô, các chị khéo tay mang đến cho du khách nhiều món bánh dân gian Nam Bộ. Không ngơi tay lấy mẻ bánh bông lan vừa chín tới, cô Trương Thị Mỹ Dung- người làm bánh đã có kinh nghiệm hơn 40 năm ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, nói: “Đây là lần đầu cô tham dự Ngày hội, qua đó cũng mong muốn sẽ quảng bá được các loại bánh dân gian của ông bà xưa. Bánh này thì mình làm bằng các loại nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe”.
Cô Trương Thị Mỹ Dung trình diễn làm bánh bông lan tại Ngày hội. |
Du khách tham quan và chụp ảnh ở các mô hình nghệ thuật từ trái cây ngon. |
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Phong Điền, cho biết: “So với năm 2017, năm nay các gian hàng tăng rất nhiều, gấp 3-4 lần. Đây cũng là kết quả sức hút của Ngày hội qua 6 lần tổ chức. Dù Ngày hội chỉ mới diễn ra khoảng 2 ngày nhưng số lượng du khách đến tham quan rất đông, tăng khoảng 20% so với năm trước. Cũng thông qua Ngày hội này, lượng du khách đổ về tham quan các điểm du lịch của địa phương cũng tăng khá rõ, đặc biệt là tại chợ nổi Phong Điền, các điểm vườn du lịch sinh thái. Đến đây du khách không chỉ được thưởng thức các loại trái cây đặc sản của địa phương như dâu Hạ Châu, nhãn Idol, măng cụt, cam mật…mà còn được trực tiếp đến thẳng các điểm vườn tham quan, thu hoạch trái cây. Điều này chắc chắn là trải nghiệm thực tế thú vị với du khách gần xa”.
Ngày hội không chỉ là sự kiện thường niên của Phong Điền mà từng bước còn trở thành điểm kết nối quảng bá, cung cầu các sản vật, nông sản địa phương, cũng như giới thiệu được những món ngon độc đáo của vùng sông nước Tây Nam bộ.
Tác giả: Ái Lam
Nguồn tin: Báo Cần Thơ