Ngoài trung tâm huấn luyện chính của tỉnh, huyện, thị xã thì phong trào học võ cổ truyền tại các trường học cũng phát triển mạnh. Đây là điều kiện tốt giúp học sinh có nơi học tập, rèn luyện nâng cao sức khỏe, từ đó hạn chế tệ nạn xã hội, giảm thời gian chơi game, sử dụng internet vào các trang mạng vô bổ. Đặc biệt, từ các lớp võ phong trào ở trường học đã góp phần phát hiện những tài năng để bổ sung cho đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh.
MỞ RỘNG LỚP VÕ PHONG TRÀO
Những năm qua, phong trào học các môn võ thuật như: võ cổ truyền, karatedo, taekwondo, vovinam... tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh phát triển mạnh và thu hút nhiều người tham gia. Để phong trào học và rèn luyện võ phát triển sâu rộng trong trường, Sở GD-ĐT vừa có văn bản gửi các trường học thông báo và đề nghị tạo điều kiện cho học sinh đăng ký học võ thuật cổ truyền. Mục đích của việc mở lớp dạy võ tại trường giúp học sinh có nơi rèn luyện sức khỏe, vui chơi, không chơi game và tự bảo vệ bản thân.
Lớp võ cổ truyền tại Trường tiểu học Tiến Hưng A do võ sư Đinh Văn Anh làm huấn luyện viên thu hút 70 học sinh theo học |
Thầy Mai Văn Mẫn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiến Hưng A (Đồng Xoài) cho biết: Toàn trường có 920 học sinh. Hiện một số học sinh tìm đến tiệm internet để chơi các trò vô bổ mỗi khi có thời gian rảnh. Điều này không những tạo ra thói quen không tốt mà còn ảnh hưởng xấu đến việc học tập của các em. Vì vậy, đầu năm 2017, sau khi nhận được công văn của Sở GD-ĐT và Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Đồng Xoài về mở các lớp dạy võ trong trường học, ban giám hiệu đã hợp đồng, đồng ý cho huấn luyện viên (HLV) về trường ghi danh và tổ chức khai giảng lớp võ cổ truyền. Ban giám hiệu cũng thông báo rộng rãi trước cờ cho học sinh biết thông tin về lớp học để đăng ký, đồng thời hỗ trợ sân bãi, hệ thống điện cho các em tập luyện. Thời gian đầu, trường chỉ có khoảng 20 em đăng ký theo học. Sau 1 tháng chiêu sinh, số phụ huynh đến đăng ký cho con đi học ngày một đông.
Hiện trên địa bàn thị xã Đồng Xoài có 6 lớp võ cổ truyền tại các trường học. Trong đó, võ sư Đinh Văn Anh đang huấn luyện 3 lớp tại các trường tiểu học Tiến Hưng A, Tiến Hưng B và Tân Phú, mỗi lớp từ 30-70 em. HLV Trần Song huấn luyện võ cổ truyền cho 3 lớp tại các trường tiểu học Tân Bình A, Tân Bình B và Tân Thiện, mỗi lớp khoảng 40 em. Ông Vũ Ngọc Dũng, ông ngoại của em Nguyễn Ngọc Bảo Lan, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Tiến Hưng A, cho biết: “Thấy các HLV về mở lớp dạy võ ngay tại trường nên tôi đăng ký cho cháu theo học, vừa để thỏa niềm đam mê của cháu, đồng thời giúp cháu có nơi rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí sau giờ học. Từ ngày học võ, tôi thấy sức khỏe của cháu tốt hơn, đặc biệt là tự tin hơn rất nhiều”.
GIEO MẦM “HẠT GIỐNG” TƯƠNG LAI
Thông thường, các lớp võ phong trào ở trường học, xã, phường, thị trấn sau một thời gian tập luyện, Phòng Huấn luyện Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh sẽ cử cán bộ về kiểm tra nhằm phát hiện những em có tố chất để bổ sung vào đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Những em được chọn từ các lớp học phong trào sẽ được đưa về Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh huấn luyện trong 1 năm. Nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, đồng thời có thành tích tốt trong các giải đấu sẽ được trung tâm bồi dưỡng, tập huấn và đưa vào đội tuyển trẻ nhằm bổ sung lực lượng đội tuyển chính của tỉnh.
Em Nguyễn Thị Trúc Mai, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Tiến Hưng (Đồng Xoài), hiện là vận động viên (VĐV) võ thuật cổ truyền đội tuyển năng khiếu ban đầu của tỉnh. Mai cho biết: “Em đam mê võ cổ truyền từ năm lớp 3. Trước đây em theo học các lớp võ phong trào ở địa phương. Đầu năm 2017, võ sư Đinh Văn Anh về Trường tiểu học Tiến Hưng A mở lớp, em đăng ký theo học. Sau gần 1 năm tập luyện, cuối năm 2017, em được Phòng Huấn luyện (Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh) chọn vào đội tuyển năng khiếu ban đầu của tỉnh. Từ đó đến nay, ngoài tập luyện theo lịch của trung tâm, em vẫn theo học lớp võ phong trào ở trường. Em sẽ cố gắng tập luyện thật tốt để được tham gia thi đấu ở các giải sắp tới và sớm vào đội tuyển trẻ tỉnh”.
Ngoài Trúc Mai, hiện lớp võ ở Trường tiểu học Tiến Hưng A có em Nguyễn Ngọc Bảo Lan cũng được cán bộ Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh “theo dõi”. Dù mới 6 tuổi nhưng Bảo Lan đã sớm bộc lộ năng khiếu võ thuật. “Trong thời gian tới, tôi sẽ giới thiệu Lan vào đội tuyển năng khiếu ban đầu của tỉnh để em được tập luyện, đào tạo bài bản hơn” - võ sư Đinh Văn Anh cho biết thêm.
Hiện Bình Phước có 88 VĐV võ thuật cổ truyền, trong đó 71 VĐV năng khiếu ban đầu, 8 VĐV đội tuyển năng khiếu, 4 VĐV đội tuyển trẻ và 5 VĐV đội tuyển chính của tỉnh. Đa số VĐV trong đội tuyển tỉnh đều trưởng thành từ lớp võ phong trào ở các huyện, thị, trường học. Tiêu biểu như các em Phan Thiên Bảo, Nguyễn Thành Danh... ở phường Tân Phú (Đồng Xoài) được chọn vào đội tuyển từ lớp phong trào trường học, xã, phường, thị trấn và các em đã mang lại nhiều thành tích cho tỉnh.
Tác giả: Thùy Hương
Nguồn tin: Báo Bình Phước