Tin địa phương

Đưa phương tiện vào bến sẽ hết nạn cò mồi?

Công ty cổ phần du lịch Cần Thơ đề nghị UBND thành phố có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc buộc các phương tiện vào bến.

Chiều 18-5, Sở GTTV Cần Thơ và nhiều đơn vị liên quan tiếp tục có cuộc họp giải quyết các vấn đề trong việc quản lý các phương tiện hoạt động tại bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) không chặt chẽ dẫn đến tình trạng cò mồi chèo kéo khách.

Khách đợi xuống tàu tại bến du lịch Ninh Kiều

Điệp khúc cò-giá

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần du lịch Cần Thơ cho biết có tổng cộng 135 phương tiện đang hoạt động tại bến, trong đó có 23 phương tiện đang ký vào bến có liên kết với công ty, còn lại 112 phương tiện không đăng ký mà họ tự khai thác hành khách rồi xin rời bến.

Đối với những người đứng mời gọi khách thì có một số là chủ phương tiện một số là "cò mồi". Sau khi thỏa thuận giá (cao hơn giá niêm yết) với khách, các cò mồi này giao khách lại cho chủ phương tiện.

Tuy nhiên theo đại diện công ty thì thời gian qua giá vé rất ổn định hầu như không tăng vé vào các dịp lễ. Còn tình trạng "chặt chém" khách ít xảy ra vì đã số khách sẽ đi thành từng đoàn chỉ thỉnh thoảng vài ba tháng có khách dạng hộ gia đình đi du lịch mới bị ép giá. Các "cò mồi" hoạt động ở các khu vực công cộng (như dọc đường Hai Bà Trưng, khu vực công viên) nên công ty không thể quản lý được.

Ông Hà Hải Bằng, Tổng Giám đốc Công ty, thì cho rằng thật ra tất cả 135 phương tiện nêu trên đều được quản lý theo đúng quy định; họ có giấy phép kinh doanh, có hành khách, đủ điều kiện an toàn, nếu không cho xuất bến thì ảnh hưởng đến việc điều hành, dễ gây ra xung đột với các chủ tàu. "Do đó chúng tôi đề nghị UBND TP Cần Thơ có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc không cấp phép và buộc các phương tiện vào bến” - ông Bằng nói.

Theo ông Bằng, để làm tốt hơn nữa trong khâu quản lý, sắp tới công ty xin phép được nâng cấp khu vực nhà điều hành, khu vực cầu tàu xuống bến sẽ được làm mái che nhằm đảm bảo hơn nữa trong việc phục vụ khách du lịch và tạo vẻ mỹ quan cho khu vực. Đồng thời lắp đặt thêm bảng niêm yết giá, cho lắp đặt hệ thống loa để hướng dẫn du khách.

Liên quan đến vụ việc, bà Trần Thị Xuân, Phó Trưởng Ban ATGT TP, cho biết UBND TP vừa có văn bản chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các ngành chức năng và công ty giải quyết dứt điểm vụ việc. “Vấn đề này đã kéo dài trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có rất nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Trên tinh thần thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, thời gian tới tôi đề nghị công ty phải đưa ra giải pháp cụ thể và có cam kết trong việc quản lý, điều tiết phương tiện. Cạnh đó, kiên quyết không cấp phép xuất bến cho các phương tiện không đăng ký vào bến. Buộc các phương tiện phải vào bến chịu sự quản lý, ràng buộc nếu không thì điệp khúc "cò" chèo kéo khách, tự đẩy giá sẽ lại nối tiếp”- bà Xuân nói.

Đưa các phương tiện vào bến sẽ hết nạn cò mồi?

Ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho rằng công ty cần nên thẳng thắn nhìn vào sự thật cũng như đánh giá đúng thực trạng của sự việc từ đó mạnh dạn đề xuất UBND TP những giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng. Theo ông, cốt lõi vấn đề là do công tác quản lý chưa tốt dẫn đến phương tiện ở bên ngoài mạnh ai nấy kiếm ăn nên xuất hiện nhóm "cò". Chính các phương tiện đã nuôi "cò" và nếu quản lý tốt thì "cò" không có đất sống. Nếu công ty không quản lý được các phương tiện thì sẽ đề xuất UBND TP thu hồi bến tổ chức đấu thầu lại cho đơn vị có năng lực.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở GTVT, yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch Cần Thơ lên phương án quản lý phương tiện. “Sở GTVT sẽ tham mưu UBND TP có văn bản quy định cụ thể nhằm làm cơ sở pháp lý cho đơn vị quản lý bến không cấp phép đối với các phương tiện không đăng ký, cũng như yêu cầu các phương tiện này đăng ký vào bến, chịu sự quản lý điều hành của bến và dĩ nhiên phía bến phải có kế hoạch sắp xếp tài chuyến phù hợp đảm bảo lợi ích của các bên. Đảm bảo khoảng giữa tháng 7-2018 phải đưa hơn 100 phương tiện trên vào bến”- ông Bé nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Công ty cần tăng cường bảng niêm yết giá; loa tuyên truyền; làm tờ gắp về chương trình, tour, giá gửi cho các khách sạn; lắp đặt camera quản lý.

"Thời gian tới, các ngành chức năng cũng tích cực đóng góp ý kiến để Sở GTVT sớm thực hiện đề án Tăng cường quản lý đảm bảo an toàn giao thông đối với phương tiện thô sơ, phương tiện nhỏ vận chuyển hành khách đường thủy nội địa mà UBND đã giao" - ông Bé nói.

Tác giả: HẢI DƯƠNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP