Hình ảnh Đà Lạt ngập trong rác sau Tết được người dân chụp lại |
Đêm khuya mùng 6 Tết vừa qua, sau khi số đông du khách đã giải tán khỏi khu vực chợ đêm Đà Lạt, một người dân đã chụp bức ảnh một chợ đêm hoang tàn, đầy rác, đăng lên trang du lịch Đà Lạt và cảm thán: “Ôi, du khách đã làm gì thành phố thơ mộng của tôi thế này?”.
Quả thực, có thể thấy, trong ảnh là núi rác khổng lồ do du khách để lại sau một đêm vui chơi, nhìn không khác gì một “chiến trường” toàn rác, trông rất phản cảm. Một người dân sống gần chợ Đà Lạt chia sẻ, đây không phải chuyện hiếm.
Những ngày lễ, Tết và mùa cao điểm du lịch, hầu như khuya nào sau khi du khách rời đi, phần còn lại là những núi rác mà các công nhân vệ sinh dọn suốt đêm vẫn không xuể. Núi Bà Đen, Tây Ninh cũng đang “kêu cứu” vì lượng rác du khách bỏ lại sau những chuyến hành hương, leo núi đầu năm.
Cô Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống gần khu vực núi chia sẻ: “Mấy hôm nay ông chồng tôi với thằng con trai sáng nào leo núi tập thể dục về cũng gom theo mấy bịch rác khổng lồ. Nói là những người dân tập thể dục rủ nhau chung tay vô đi dọn rác chứ họ (du khách) quăng rác dữ quá, không ai dọn chắc sau Tết núi này thành núi rác luôn (!)”.
Theo cô Hoa, du khách thiếu ý thức không chỉ vứt lại chai nước giải khát, các loại vỏ hộp mà không ít bạn trẻ đi leo núi cắm trại, ăn uống xong... đứng dậy đi luôn, để lại nguyên tấm bạt toàn thức ăn dư và rác rưởi. Những người dân leo núi thể dục còn mang theo cả gậy, móc vì nhiều loại rác được xả theo cách rất oái oăm: quăng thẳng lên... ngọn cây.
Bên cạnh hành vi xả rác bừa bãi tại các điểm du lịch là vấn nạn bức hại cảnh quan. Đây đang là thời điểm mai anh đào nở rộ ở Đà Lạt, người người kéo nhau lên thưởng hoa. Nhưng cũng là thời điểm mà dân du lịch “tàn phá” hoa nhiều nhất với các hành động vít cây, bẻ cành đem về chơi mà năm nào cũng bị phê phán.
Mùa hoa nào ở các địa phương cũng có cảnh xót xa những rừng hoa bị tàn phá bởi bàn tay du khách: Những cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang, đồng cải, hướng dương ở cao nguyên... bị bẻ gãy, giẫm nát chỉ để thực hiện vài tấm ảnh đẹp.
Không chỉ hoa cỏ, biển cả hay hang động cũng trở thành đối tượng phá hoại của những người du lịch vô ý thức. Câu chuyện đáng buồn nhất được gióng lên trong năm 2018 là sự biến mất của bãi đá bảy màu ở bãi biển Cổ Thạch, Bình Thuận.
Một bãi đá kì lạ với nhiều màu sắc lấp lánh đã trở thành kì quan thiên nhiên thu hút du khách thế giới đến chiêm ngưỡng. Thế nhưng, những du khách Việt ích kỉ đã khiến bãi đá bảy màu “mất màu” khi hết người này đến người khác bẻ đá mang về.
Rồi những hành động bẻ san hô khi lặn biển, bẻ thạch nhũ khi tham quan hang động, khắc lên đá để lưu dấu... với suy nghĩ thô sơ “lấy một tí có mất mát gì đâu”, với thói quen vô ý thức, thấy cái gì đẹp nơi công cộng liền “tiện tay” mang về, một bộ phận du khách Việt đã góp phần tàn phá những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hiếm có. Để rồi, nhiều di tích, nhiều danh thắng xuống dốc, mất đi vẻ đẹp vốn có.
Thực tế, nhiều quốc gia đã đưa những hành vi xả rác nơi công cộng, phá hoại di tích, phá hoại cảnh quan thiên nhiên vào luật và xử lý khá nghiêm minh. Tại Việt Nam, hầu như chưa thấy người dân nào bị xử lý về hành vi này. Phải chăng, cần luật hóa hành vi phá hoại nêu trên với chế tài thật tương xứng với hậu quả gây ra. Nếu không, cứ với cách du lịch như thế này, vài chục năm, hàng trăm năm nữa, chúng ta sẽ để lại gì cho con cháu?
Tác giả: Ngọc Mai (giới thiệu)
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam