Du lịch

Du khách Việt "hối hận" vì đi chơi lễ: Chơi không vui còn lo ngay ngáy

Các điểm du lịch đông đúc, tắc nghẽn nhiều giờ, giá cả đắt đỏ, quan trọng nhất là nỗi lo Covdi-19 khiến nhiều du khách đã có một trải nghiệm nghỉ lễ "thấp thỏm, lo âu".

Thay vì có tâm trạng thoải mái, vui vẻ sau khi kết thúc chuyến du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thì nhiều du khách lại đang rơi vào tình trạng thấp thỏm lo âu vì dịch Covid-19.

Ám ảnh vì cảnh "ăn bờ, ngủ bụi" khi đi nghỉ lễ

Tình trạng tắc đường luôn là nỗi ám ảnh với nhiều du khách trong các dịp lễ, tết dài ngày.

Ở Hà Nội, từ chiều tối 29/4 đến hết ngày 30/4, các cửa ngõ đi ra khỏi thành phố như đường Vành đai 3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đều ùn tắc dài.

"Gia đình tôi sử dụng xe gia đình để đi du lịch Hạ Long. Để tránh tắc đường, 20h chúng tôi xuất phát từ Hà Nội nhưng đúng là "người tính không bằng trời tính". Tắc đường trên đường Vành đai 3 nên 12h đêm cùng ngày, chúng tôi mới ra khỏi Hà Nội.

Nguyên ngày hôm sau cả nhà mệt lử chỉ nằm ngủ trong khách sạn", chị Nguyễn Thùy Linh (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) kể lại trải nghiệm du lịch trong dịp lễ.

Hình ảnh tắc đường "đáng chú ý" nhất trong dịp lễ vừa qua là tình trạng tại đèo Bảo Lộc hướng đi Đà Lạt. Hàng chục nghìn du khách từ TP.HCM và các địa phương lân cận đổ về Đà Lạt khiến khu vực chân đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) ùn ứ kéo dài hàng chục km.

Anh Vũ Quang H. (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, gia đình anh xuất phát từ 9h sáng ngày 30/4 đi Đà Lạt nhưng phải mất hơn 12 tiếng mới di chuyển tới nơi.

"Nếu có thể lựa chọn lại thì tôi sẽ không đưa gia đình đi chơi Đà Lạt vào kỳ nghỉ lễ. Các con từ háo hức chuyển sang mệt nhọc. Đi du lịch mà phải ăn bờ ở bụi ven đường, cả nửa ngày chỉ có nước lọc và bánh mì, đồ ăn nhanh mang theo" anh H. chia sẻ.

Trong đêm 30/4, chợ đêm Đà Lạt cũng chật cứng người. Biển người chen chân, nhích từng chút một.

Dịp nghỉ lễ vừa qua, Đà Lạt ước tính đón 145.500 lượt khách, tăng 179,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách lưu trú đạt trên 122.000 lượt.

Khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón khoảng 215.000 du khách; TP Nha Trang đón khoảng 125.000 lượt; TP Phú Quốc (Kiên Giang) đón 91.000 lượt khách trong kỳ nghỉ.

Thành phố Vũng Tàu, 70.000 du khách, người dân tắm biển ở Bãi Trước, Bãi Sau trong ngày đầu nghỉ lễ.

Giá phòng đắt đỏ, quán ăn "hét giá"

Gia đình anh T.V (Hà Nội) quyết định đổi địa điểm du lịch từ Đà Nẵng thành Sa Pa chỉ trước kì nghỉ một ngày nên không kịp đặt phòng trước.

Qua nhiều nhà nghỉ, khách sạn anh V. đành phải nghỉ tại một khách sạn với giá cao hơn với ngày thường khoảng 300 nghìn đồng. "Nhưng phục vụ thì rất sơ sài, thậm chí tôi còn phải gọi vài lần nhân viên mới mang đồ dùng phòng tắm lên", anh V. nói.

Giá một số nhà nghỉ ở Sa Pa (Lào Cai), khách sạn có giá cao nhỉnh hơn khoảng gần 200 nghìn so với ngày thường.

Chủ quan không đặt phòng trước nên chị Phạm Thu Hằng cũng phải tìm "đỏ mắt" và chấp nhận chi 600.000 đồng/phòng 2 người tại một nhà nghỉ bình dân xa trung tâm tại TP Đà Lạt.

"Khi tôi đến thì khách cũ vừa trả phòng, nhân viên còn chưa dọn dẹp xong. Nhưng sau khi di chuyển chục tiếng trên đường, vợ chồng tôi quá mệt mỏi nên không muốn đi tìm nữa", chị Hằng than thở.

Không chỉ giá nhà nghỉ, khách sạn mà giá cả dịch vụ ăn uống, thuê phương tiện dịp lễ, tết tại các địa điểm du lịch đông đúc như Sa Pa, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Hạ Long... cũng tăng chóng mặt.

Sau khi khốn khổ vì tìm phòng, trong 2 ngày ở lại Đà Lạt, chị Hằng còn "nhớ đời" vì chiếc bánh tráng ven đường giá 55.000 đồng hay hộp dâu tây 100 gram giá 70.000 nhưng hỏng gần quá nửa.

Thấp thỏm lo âu vì Covid-19

Trở về Hà Nội sau chuyến du lịch, anh T.V và gia đình thấp thỏm lo âu khi đọc thông tin về chuyên gia Trung Quốc nhiễm Covid-19 đã ăn ở quán cơm phường Ô Quy Hồ (Sa Pa, Lào Cai), ngay cạnh khách sạn gia đình anh ở.

Anh V cho biết: "Gia đình đi chơi nhưng thấy quá đông người nên chỉ thường lui tới những chỗ vắng người. Ban ngày người dân đổ ra các điểm du lịch để tham quan, lúc đó gia đình tôi mới đi thăm các điểm ở thị xã, khi đi ăn cũng lựa chọn những quán vắng người. Vậy mà về Hà Nội nghe tin về ca bệnh trên vẫn lo thấp thỏm".

Tối ngày 30/4, hàng chục nghìn lượt khách du lịch đổ về trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai). Dòng người chen chân tại các địa điểm như: Chợ đêm, Nhà thờ đá, quảng trường...

Trong 4 ngày lượng khách đến Sa Pa ước đạt 45.421 lượt, ít hơn gần 30.000 so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Dân trí, cảnh chen chúc, tập trung đông vẫn diễn ra ở nhiều nơi ở trung tâm thị xã.

Sau khi có thông tin về ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, nhiều du khách mới trở về từ đây sau kì nghỉ lễ cũng nơm nớp lo sợ.

Tác giả: Khôi Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP