Hệ thống cống ngăn mặn ở Hậu Giang chủ động ứng phó. |
Hạn, mặn đe dọa sản xuất nông nghiệp
Ghi nhận tại tỉnh Cà Mau cho thấy, một số con sông rạch ở vùng nông thôn bị khô cạn, ngoài việc thiếu nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản đi tiêu thụ; đời sống sản xuất của người dân địa phương gặp nhiều trở ngại. Tại TP Cà Mau, nhiều hộ dân vùng chuyên canh rau màu của vùng ngọt hóa ở xã Lý Văn Lâm- nơi cung cấp các loại rau, củ tươi sống cho toàn địa bàn thành phố- đang cảm thấy tuyệt vọng vì nắng nóng kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Tiếng (53 tuổi), ngụ xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau cho biết: “Những tháng đầu năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc trồng màu của người dân địa phương. Vì vậy, năng suất và sản lượng rau màu giảm đáng kể”.
Tại huyện Đông Hải, một trong những vùng nuôi tôm sinh thái trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, người dân địa phương cảm thấy như “ngồi trên đống lửa” vì độ mặn liên tục tăng cao, dẫn đến dịch bệnh phát sinh lây lan hàng trăm ha đất tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Theo dự báo của Phòng NNPTNT huyện Đông Hải, thời gian tới, độ mặn tiếp tục tăng cao, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ diễn biến rất khó lường.
Ở tỉnh Hậu Giang, huyện Long Mỹ là địa phương chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nhiều nhất. Từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay, ông Nguyễn Văn Điền, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cũng như nhiều bà con làm màu ở đây đều cập nhật liên tục thông tin diễn biến của hạn, mặn. Ông Điền cho biết: “Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn xã những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp. Nước mặn xuất hiện đôi lúc khó đoán trước được. Như mấy năm trước, có năm nước mặn đã tấn công sâu vào nội đồng làm nhiều diện tích lúa của bà con trong giai đoạn làm đòng bị ảnh hưởng”.
Những tháng đầu năm 2019, hiện tượng El Nino đang có khuynh hướng quay trở lại theo chu kỳ khiến cho tình hình thời tiết khắc nghiệt hơn. PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Mực nước mặn vào ngày một nhanh hơn, nước ngọt giảm đi nhiều, đi lên thượng nguồn tứ giác Long xuyên nước ngọt mất rất nhanh. Ngoài ra năm nay một số đập thuỷ điện tích nước ở thượng nguồn sẽ hoạt động nên nguồn nước sẽ ít hơn nữa, càng ngày càng khó khăn hơn.
Địa phương chủ động ứng phó
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân. Theo đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn 2019. Đặc biệt, khi độ mặn ngoài sông, kênh chính đạt mức 1,5%, sẽ xây dựng các đập thời vụ cải tiến và đắp đập thời vụ để ngăn tất cả các dòng kênh chảy vào đồng tại các khu vực bị nhiễm mặn.
Còn ở Trà Vinh, theo ông Phạm Minh Truyền – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho 61.000 ha lúa Đông Xuân 2018-2019, hơn 76.000 ha Hè Thu 2019 và nước sinh hoạt cho người dân ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn; đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi đôn đốc các địa phương tích cực nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng đúng tiến độ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn, mặn, thông báo kịp thời cho các ngành, địa phương và người dân biết để chủ động ứng phó trong sinh hoạt và sản xuất…
UBND tỉnh Kiên Giang cũng mới ban hành kế hoạch 173 về việc thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2018-2019. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Triển khai nạo vét kênh mương, gia cố, đắp đập ngăn mặn; duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng chống hạn mặn. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động nhân dân chủ động duy tu, sửa chữa máy bơm, trạm bơm kịp thời bơm tưới khi cần thiết. Vận động người dân không xả rác thải vào các kênh, rạch nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước, môi trường trong thời gian đóng cống ngăn mặn, giữ ngọt.
Để đảm bảo tưới cho 56.000ha lúa, trên 22.400ha màu vụ Đông Xuân; 53.000ha lúa, 20.000ha màu vụ Hè Thu và 56.377ha cây lâu năm hiện có, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh, đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018- 2019 và Hè Thu năm 2019.
Tác giả: Quốc Trung – Phước Đức
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết