Trong nước

Đồng bằng Sông Cửu Long có bệnh viện chuyên trị đột quỵ

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày hôm nay (20.2). Đây là bệnh viện chuyên trị đột quỵ duy nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, với mục tiêu sẽ điều trị kịp thời các bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ, không phải chuyển lên TP.HCM.

Lãnh đạo Bộ Y tế, chính quyền địa phương cắt băng khánh thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ vào hôm nay (20.2) - Ảnh: PV

Theo TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, hiện nay mỗi năm Việt Nam có khoảng 20.000 bệnh nhân mắc bệnh đột quỵ. Chỉ riêng các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long có đến 10.000 người bị đột quỵ mỗi năm, trong đó có đến 97% số bệnh nhân đến bệnh viện trễ “quá thời gian vàng”.

Thời gian để cứu sống bệnh nhân đột quỵ được tính bằng phút, cứ mỗi phút trôi qua bệnh nhân đột quỵ mất đi 2 triệu tế bào thần kinh, điều đó đồng nghĩa với việc mỗi phút trôi qua là cái chết của bệnh nhân cận kề hơn. “Thời gian vàng” của bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 6 tiếng đồng hồ trở lại, nếu quá thời gian trên, bệnh nhân không còn khả năng cứu sống.

“Trong gần 20 năm công tác ở lĩnh vực thần kinh, sọ não đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân bị đột quỵ, nhưng cũng gặp không ít những bệnh nhân bị đột quỵ phải ra đi tức tưởi, chỉ vì không đến bệnh viện kịp thời. Từ các tỉnh miền Tây, bệnh nhân đột quỵ phải chuyển lên TP.HCM mất ít nhất là 4 tiếng đồng hồ nên nhiều bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện quá trễ, không còn khả năng cứu chữa.

Bệnh có thể chữa được nhưng chỉ vì bệnh nhân đến trễ mà phải chết tức tưởi như thế là một nỗi đau và sự ray rứt rất lớn trong lòng của một người làm nghề như tôi. Từ đó, tôi và các cộng sự đã quyết tâm phải làm gì đó để giúp cho bệnh nhân đột quỵ ở các tỉnh miền Tây không phải chết tức tưởi như vậy”, bác sĩ Cường chia sẻ về nguyên nhân cho ra đời bệnh viện đột quỵ này.

Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong ngày đầu tiên khánh thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Bác sĩ Cường cho biết hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ có quy mô 200 giường bệnh, được đầu tư trang thiết bị hiện đại tương đương các bệnh viện đột quỵ hàng đầu thế giới như: Máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh, chụp CT 128 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla công nghệ mới (trị giá hơn 40 tỉ đồng), máy chụp mạch máu xóa nền DSA tích hợp chức năng chụp CT thế hệ mới, hệ thống Monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24, hệ thống tổng đài kỹ thuật số Call-center cấp cứu đột qụy…

Bệnh viện tập trung vào 2 chuyên khoa mũi nhọn là đột quỵ và tim mạch. Ngoài ra, bệnh viện còn có thêm các chuyên khoa khác mà các bệnh viện ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa mạnh như: Phẫu thuật cơ xương khớp kỹ thuật cao, can thiệp tim bẩm sinh, chẩn đoán sớm ung thư, điều trị rối loạn nhịp tim bằng cắt đốt điện cao tầng...

Đặc biệt, để đảm bảo việc vận chuyển bệnh nhân bị đột quỵ ở những nơi xa đường bộ, bệnh viện đã bố trí 3 ca nô cấp cứu bằng đường sông để kịp thời đưa bệnh nhân bị đột quỵ đến bệnh viện kịp thời, tránh chậm trễ dẫn đến những cái chết oan.

Ca nô sẵng sàng cấp cứu cho bệnh nhân bị đột quỵ bằng đường sông - Ảnh: N.T

Bác sĩ Cường khẳng định, với bệnh viện này, bất cứ bệnh nhân đột quỵ nào, dù có tiền hay không có tiền đến bệnh viện cũng sẽ được điều trị, không để bất cứ bệnh nhân đột quỵ nào phải quay về vì không có tiền.

“Mang tên bệnh viện quốc tế có nghĩa là chất lượng cao, đội ngũ y bác sĩ đến từ nước ngoài trực tiếp khám, điều trị... chứ không phải quốc tế ở đây là giá khám, chữa bệnh cao. Tôi một lần nữa khẳng định, bất cứ người dân nào bị đột quỵ đến với bệnh viện, dù giàu hay nghèo, dù có tiền hay không có tiền vẫn được cứu chữa tùy theo khả năng.

Ngay cả những bệnh nhân không có tiền chúng tôi vẫn cứu chữa. Để làm được điều này, trong thời gian hoạt động, chúng tôi sẽ dành riêng một quỹ để phục vụ cho những bệnh nhân đột quỵ không có tiền chữa trị”, bác sĩ Cường nói.

Tác giả: Hồ Quang

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP