Tin địa phương

Đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo Cần Thơ cam kết trả lời trong 3 ngày làm việc

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy và ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chủ trì Tọa đàm 'Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ'.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (bìa phải) và ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ (áo trắng) trao đổi với doanh nghiệp trong giờ giải lao

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, công tác gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã trở thành thông lệ được thực hiện định kỳ hàng năm. Đối thoại là cơ hội trao đổi thông tin hai chiều, để Thành phố lắng nghe những ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 dự báo kinh tế trong nước cũng phải đối mặt áp lực lạm phát, biến động của giá nguyên vật liệu, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu bất thường, trái quy luật..., để TP. Cần Thơ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và vượt qua khó khăn hiện tại, Thành phố mong muốn được lắng nghe ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong Hội nghị hôm nay”, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Kiến nghị

Tại buổi Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên các ý kiến, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các vấn đề như khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; lãi suất ngân hàng cao; vướng mắc về thuế; thủ tục hành chính; việc cung cấp điện để đảm bảo hoạt động sản xuất; kết cấu hạ tầng hạn chế…

Ông Lưu Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ (CBA) chỉ rõ, khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay là khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm trong lúc nhu cầu thị trường yếu và sức mua giảm mạnh; khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do các điều kiện tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng được, như giá trị tài sản đảm bảo thế chấp giảm, tài sản đảm bảo không còn; các biện pháp để đảm bảo thanh toán nợ vay chưa rõ ràng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lãi vay trung, dài hạn còn khá cao so với tỷ suất lợi nhuận hiện có của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó là khó khăn trong việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp, như chí phí xăng dầu tăng, chi phí điện nước tăng, bảo hiểm xã hội, y tế cũng tăng do mức lương tối thiểu tăng từ đầu tháng 7/2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Cần Thơ tăng 3,71% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,25%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,06%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,95%, đóng góp 3,09 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 0,93%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông - lâm - thủy sản đều tăng trưởng. Trong thành tích chung đó của Thành phố, sự đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân là vô cùng quan trọng.

- Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Từ thực trạng trên, CBA đề nghị UBND TP. Cần Thơ kiến nghị lên các cấp Trung ương cho phép một số doanh nghiệp được giãn, kéo dài thời hạn thanh toán nợ ngân hàng, kéo dài thời hạn nộp thuế, phí, tiền thuê đất thêm ít nhất 6 tháng.

Là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, dược liệu, bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie & Panacee chia sẻ: “Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đối mặt nhiều khó khăn, nên rất cần sự hỗ trợ về vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết nối các nguồn quỹ hỗ trợ từ nước ngoài, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Chúng tôi tha thiết muốn nhận được sự trợ giúp, như dự án của chúng tôi rất cần có đất để nghiên cứu trồng cây lấy nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu (organic), cần thuê đất để xây xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn cao, cần đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa ở những quốc gia khác, cần nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, hoặc vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ. Chúng tôi không biết tiếp cận ở đâu, nơi nào có thể hỗ trợ và chúng tôi cần những điều kiện gì để được hỗ trợ”.

TP. Cần Thơ - cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Cửu Long. Ảnh: Xuân Hội

Chỉ đạo giải quyết kịp thời

Sau khi lắng nghe những phản ánh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, trong buổi trao đổi này, có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp rất xác đáng, đã nêu những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề rất trực diện, cụ thể.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo, đối với những vấn đề, kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương thì Thành phố phải tổng hợp lại, sớm có đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đối với những vấn đề, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Thành phố, mặc dù đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, trả lời doanh nghiệp tại buổi đối thoại, song Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị các ý kiến này phải được trả lời bằng văn bản chính thức để cùng theo dõi kết quả giải quyết, nhằm làm rõ trách nhiệm, tránh những nội dung đã kiến nghị lần này rồi lần sau lại kiến nghị nữa…

Ông Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo: “Đối với các nội dung liên quan các sở, ngành, tôi đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố phân công cụ thể các sở, ngành xem xét thấu đáo, giải quyết có trách nhiệm, cố gắng không để những kiến nghị của doanh nghiệp kéo dài. Bởi vì doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đang rất khó khăn, áp lực về giải quyết việc làm, giải quyết đơn hàng, khó khăn về lãi suất, khó khăn về các thủ tục pháp lý…, nên việc đồng hành chia sẻ, giải quyết thủ tục hành chính của Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yêu cầu rất quan trọng”.

Ghi nhận những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành giải quyết từng nội dung kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị, với các vấn đề doanh nghiệp đặt ra tại buổi đối thoại này, thủ trưởng các cơ quan có liên quan mặc dù đã có trao đổi trực tiếp, song phải có văn bản trả lời chính thức cho doanh nghiệp không quá 3 ngày làm việc. Đồng thời, văn bản trả lời này gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

Tác giả: Trúc Giang

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP