Du lịch

Độc đáo cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 8km về phía Đông (làng Thanh Thủy, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy - Thừa Thiên Huế).

Cầu ngói Thanh Toàn là một trong những cây cầu cổ độc đáo ở Việt Nam.

Cầu ngói Thanh Toàn nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 8km về phía Đông (làng Thanh Thủy, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy - Thừa Thiên Huế), là một trong những kiến trúc bằng gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.

Cầu do bà Trần Thị Đạo - vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông bỏ tiền cá nhân xây dựng. Cầu giúp dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân lỡ bước.

Năm 1776, vua Lê Hiển Tông ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo và miễn cho làng nhiều loại sưu dịch. Việc làm này của vua Lê Hiển Tông để người dân tưởng nhớ đến công ơn và noi theo tấm gương tốt của bà.

Năm 1925, vua Khải Định cũng ban sắc phong trần cho bà Trần Thị Đạo là “Dực Bảo Trung Hưng Linh phò” và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà.

Cầu được xây dựng vào năm 1776.

Xung quanh cầu có đồng ruộng, chợ, đường làng, lối xóm, nhà vườn, và những lũy tre xanh soi mình dưới mặt nước.

Cầu xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều”, nghĩa là trên nhà dưới cầu.

Cầu bắc ngang qua một con kênh, là nơi để người dân và du khách hóng mát vào mùa Hè, hoặc tạm trú tránh mưa.

Cầu được chia làm 7 gian, gian ở giữa làm nơi thờ tự bà Trần Thị Đạo.

Cầu ngói Thanh Toàn mang dáng dấp của một ngôi làng điển hình ở Việt Nam. Cầu được bao bọc bằng mái che thiết kế như một ngôi nhà. Cầu chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Các bộ phận kiến trúc trong cầu được trang trí gồm hai loại tiết diện tròn và vuông.

Cầu nằm trên một hệ thống trụ đỡ có 6 hàng, mỗi hàng có 3 trụ bằng đá. Ban đầu cầu có chiều 18,75m, rộng 5,82m. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà cầu trải qua 4 lần tu sửa (1847, 1906, 1956, 1971) nên kích thước chiều dài còn 16,85m và rộng 4,63m.

Cầu được lợp ngói lưu ly, các họa tiết được trang trí bằng nghệ thuật khảm sành đặc trưng của xứ Huế.

Ở giữa phần mái là đôi chim phượng đang tung cánh hướng về phía Mặt trời.

Năm 2020, cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng.

Mỗi kỳ festival, tại cây cầu này đều tổ chức sự kiện 'Chợ quê ngày hội'.

Cầu ngói Thanh Toàn đã được cấp bằng công nhận là Di tích Văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là điểm du lịch của tỉnh vào tháng 1/2019.

Tác giả: Hoàng Hải

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP