Khá lâu rồi, bà Ba Sương mới xuất hiện đi chúc Tết ở Cần Thơ song vẫn như thuở nào, bà mang theo quà là mấy món nông sản do bà tổ chức chế biến, thơm ngon. Bà cho biết, hai cơ sở chế biến trái cây xuất khẩu của bà năm qua đã hoạt động ổn định, một ở tỉnh Đồng Nai với Công ty TNHH Ba Sương - Thống Nhất, một ở tỉnh Hậu Giang với Cty TNHH Ba Sương - Long Mỹ. Công nhân ở hai nơi gần 400 người, lượng trái cây chế biến một năm mấy chục nghìn tấn. Hai cơ sở đó đều mấp mé phá sản hồi bà bị đẩy vô vòng tố tụng, từ năm 2012, bà thoát khỏi vòng tố tụng mới vực lại, vượt qua rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng không thể. Giọng bà phấn khởi: “Cuối cùng cũng đã lo được cuộc sống ổn định cho mấy trăm người”.
Bà Ba Sương ngồi xe ôm đi chúc Tết ở khu dân cư 91B |
Bà đi chúc Tết ngồi xe ôm, giỏ quà để trước cho anh xe ôm kẹp chân giữ. Vóc dáng bà vốn thấp nhỏ, lên xuống xe hơi khó khăn song bà luôn tươi cười. Bà nói, vài năm nay nhà máy hoạt động nền nếp thì sức khỏe của bà cũng khá lên, nhiều chứng bệnh trước kia hành hạ bà đã thuyên giảm. Anh xe ôm có nước da đen nhẻm, vui vẻ kể, anh ở gần nhà người em của bà tại Cần Thơ và lúc cần đi đâu bà thường gọi.
Chuyện sơ qua như vậy chứ nếu chi ly thì dài dòng cũng khó hết. Biết bao công sức, tâm huyết để vực dậy hai cơ sở chế biến nông sản thoi thóp ở hai tỉnh cách xa nhau. Với người khỏe mạnh, giàu có đã khó huống chi bà Ba Sương thời điểm thoát vòng tố tụng chỉ có hai bày tay trắng với sức khỏe gần cạn kiệt.
Vòng tố tụng kéo dài gần 4 năm, lôi tuột bà Ba Sương từ đỉnh vinh quang với nhiều danh hiệu cao quý, cả danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng Châu Á - Thái Bình Dương” do quốc tế trao tặng, xuống vực thẳm đau buồn. Hơn nữa, cha của bà là ông Trần Ngọc Hoằng (làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu trước bà) cũng là Anh hùng Lao động và Nông trường Sông Hậu được phong Anh hùng Lao động hai lần.
Bắt đầu vào ngày 9/4/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, quá trình điều tra chuyển sang tội “Lập quỹ trái phép”. Ngày 9/9/2008, bà bị khởi tố bị can. Từ ngày 11 đến 15/8/2009, Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ xử sơ thẩm phạt bà 8 năm tù và phiên phúc thẩm của Tòa án nhân dân TP Cần Thơ ngày 19/11/2009 y án sơ thẩm. Đến ngày 27/5/2010, Tòa án nhân dân Tối cao xem xét giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án trên, trả hồ sơ để điều tra lại theo thủ tục chung. Ngày 21/2/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ tiếp tục có kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà tội “Lập quỹ trái phép” với số tiền nhiều hơn trước.
Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, ngày 17/1/2012, Viện kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với bà cùng các bị can khác ở Nông trường Sông Hậu. Ngày 9/2/2012, bà được khôi phục sinh hoạt Đảng.
Bà Ba Sương bên cây mai vừa lặt lá của một gia đình ở Cần Thơ |
Lúc đó, sức khỏe bà rất yếu với nhiều chứng bệnh hành hạ, gầy ốm, xanh xao. Còn nay, sức khỏe của bà tốt hơn hẳn, đi lại nhanh nhẹn, nói cười vui vẻ và không phải đeo kính khi sử dụng điện thoại di động. Trò chuyện về sản xuất kinh doanh, đôi lúc bà mở mạng trên điện thoại di động lấy hình ảnh minh họa. Bàn tay quen với nông dân vốn thô ráp của bà, lướt điện thoại và bà cười “những việc này, trước kia giao người khác làm, còn nay tôi làm hết”.
Ngồi xe ôm đi chúc Tết những người theo bà là sâu nặng nghĩa tình lúc hoạn nạn, bà khá vội vã vì đã hẹn xe khách đón lúc 19 giờ 30 phút để lên Đồng Nai. “Đi lại giữa Hậu Giang, Cần Thơ và Đồng Nai tôi ngồi xe khách mấy năm nay quen rồi. Thường đi lại ban đêm để ngày kịp làm việc”, bà nở nụ cười chúm chím trẻ hơn nhiều so với tuổi 71 của bà.
Tác giả: PHẠM DUY TƯƠNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam