Tin địa phương

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND Thành phố Cần Thơ

Ngày 12.4, Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng chủ trì đã có cuộc làm việc với UBND TP. Cần Thơ

Cùng dự có đại diện các Ủy ban của Quốc hội là thành viên Đoàn giám sát; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển...

Kết nối vận tải thủy bị khan cạn, luồng hẹp

Cần Thơ có 6 tuyến Quốc lộ, 1 tuyến cao tốc đi qua với chiều dài trên 160km, 11 tuyến đường tỉnh với chiều dài 161,3km và 3.947,82km đường địa phương, một cảng hàng không quốc tế và các cảng, bến thủy nội địa. 6 tuyến đường thủy quốc gia đi qua với tổng chiều dài 127,05km. Luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đoạn qua địa bàn Cần Thơ có chiều dài khoảng 52,6km, do Cảng vụ hàng hải Cần Thơ thuộc Cục Hàng hải Việt Nam quản lý.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi giám sát

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Giao Thông Vận tải TP. Cần Thơ Nguyễn Đăng Khoa cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 554 đơn vị tham gia kinh doanh vận tải cho các loại hình kinh vận tải bằng xe ô tô, tổng số phương tiện đang quản lý được cấp phù hiệu là 10.479 phương tiện.

Các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn đã tổ chức kiểm định phương tiện xe cơ giới theo đúng quy trình, quy định của ngành và pháp luật, bảo đảm phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông.

Công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa được tăng cường, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại cảng, bến được ổn định. Tổng số cảng, bến đã được công bố hoạt động trên địa bàn là 552 cảng, bến, trong đó bến thủy nội địa tuyến đường thủy nội địa quốc gia 208 bến; cảng, bến thủy nội địa tuyến đường thủy nội địa địa phương và vùng nước cảng biển 344 cảng, bến; bến khách ngang sông đã phân cấp cho UBND quận, huyện quản lý là 87 bến.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu tại cuộc làm việc

Bên cạnh những mặt đã làm được, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ cũng nêu rõ một số bất cập, hạn chế, như tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích cá nhân của các hộ gia đình còn diễn ra phổ biến, chưa có giải pháp xử lý triệt để. Sự gia tăng nhanh của các phương tiện tham gia giao thông, nhất là phương tiện cá nhân, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông và các phương tiện vận tải công cộng lại phát triển tương đối chậm, chưa tương xứng.

Thực tế này đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Tiến độ thi công của một số công trình giao thông quan trọng như: cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, dự án Đường Vành đai phía Tây và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn km 0÷7)… còn chậm.

Hệ thống giám sát giao thông đường bộ hiện chưa phát huy được hiệu quả khai thác, sử dụng; thường xuyên bị lỗi kỹ thuật, đường truyền không ổn định. Phần lớn các trang thiết bị, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ... phục vụ công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông đã lỗi thời, lạc hậu; thường bị lỗi kỹ thuật, hư hỏng.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh phát biểu

Lĩnh vực giao thông thủy chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chỉ sử dụng ưu thế sẵn có mà chưa chú trọng đến việc cải tạo, nâng cấp. Một số tuyến đường thủy nội địa quốc gia, như kênh Thị Đội - Ô Môn dài 27,5 km, kết nối vận tải giữa Cần Thơ và các tỉnh tại một số thời điểm bị khan cạn, luồng hẹp với bề rộng luồng trung bình chỉ đạt khoảng 18m, độ sâu khoảng 2m, làm hạn chế vận tải đối với các phương tiện thủy lưu thông trên tuyến.

Một số đoạn sông, kênh, rạch trên các tuyến vận tải thủy tĩnh không có các công trình vượt sông, làm hạn chế khả năng lưu thông của các phương tiện. Nhiều tuyến vận tải chịu ảnh hưởng lớn của thủy triều, phương tiện lớn phải chờ nước lên mới hoạt động được, có những đoạn tốc độ bồi lắng cao, luồng thường xuyên bị cạn. Ngược lại, ở những nơi có nước chảy xiết hoặc tàu bè qua lại nhiều dễ bị sạt lở bờ, gây trở ngại cho giao thông thủy, đồng thời làm hư hại các tuyến đường bộ cặp sát sông, kênh.

Cần nạo vét, chỉnh trị tuyến đường thủy quốc gia và địa phương

UBND TP. Cần Thơ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính quan tâm, hỗ trợ nạo vét, chỉnh trị luồng bị khan cạn, nhiều đoạn quanh co dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông; bố trí kinh phí thực hiện nạo vét, chỉnh trị tuyến đường thủy quốc gia và một số tuyến đường thủy địa phương có mật độ tham gia giao thông cao nhằm đáp ứng ngày càng lớn nhu cầu vận tải thủy nội địa.

Phó Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền phát biểu

Có cơ chế chính sách, bố trí kinh phí ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kè dọc theo kênh Cái Sắn và bảo vệ tuyến Quốc lộ 80, xây dựng khu tái định cư, dân cư để di dời các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến kênh này. Nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành về điều kiện cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa theo hướng điều chỉnh chương trình học, hình thức thi, kiểm tra phù hợp với trình độ, năng lực đặc thù của đối tượng thường xuyên di chuyển, sinh sống trên sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã nêu một số vấn đề Cần Thơ gặp phải trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đề nghị các đơn vị làm rõ hơn về những bất cập, hạn chế, cả khách quan và chủ quan trong công tác quản lý dịch vụ an toàn giao thông vận tải…

Đồng thời, cung cấp thêm thông tin về công tác phối hợp giữa các sở, ngành và việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng có được thống nhất trong quy hoạch và phối hợp trong xây dựng hay không? Việc chấp hành các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến việc tịch thu phương tiện, tích hợp lái xe mô tô và ô tô có vướng hay không?

Liên quan đến vi phạm hành lang sông và hành lang đường, thành phố có khảo sát, thống kê về sinh kế, sinh hoạt của người dân sống ven sông để bố trí tái định cư chống sạt lở hay chưa? Cùng với đó, cần chỉ rõ những điều khoản của văn bản pháp luật nào về giao thông gây khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi và đề xuất hướng sửa đổi, nhất là quy định về nồng độ cồn trong giao thông thủy. Những khó khăn, vướng mắc trong kho bãi và hệ thống điều hành giao thông thông minh chung về đường thủy và đường bộ?

TP. Cần Thơ đề xuất Trung ương bố trí kinh phí thực hiện nạo vét, chỉnh trị tuyến đường thủy quốc gia và một số tuyến đường thủy địa phương có mật độ tham gia giao thông cao

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Cần Thơ đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời cũng chia sẻ với áp lực của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TP. Cần Thơ bổ sung, tổng hợp đầy đủ kiến nghị, nêu thêm những việc làm sáng tạo để giảm bớt các vụ tai nạn giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin, điều hành giao thông thông minh, xử lý vi phạm bằng hình ảnh, bổ sung các vấn đề về an toàn hàng không tại sân bay quốc tế Trà Nóc, chú trọng những kiến nghị thực tiễn.

Tác giả: Vũ Châu

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP