Bạn cần biết

Đoán bệnh qua màu sắc của dịch mũi

Dịch mũi, hay còn gọi là chất nhầy, được cơ thể sản xuất để chống lại virus và vi khuẩn. Khi bạn không khỏe, chất nhầy có thể thay đổi màu sắc để báo hiệu điều đó.

Dịch mũi loãng, màu trong: Nếu bạn bị chảy nước mũi, hơi loãng và có màu trong, điều đó có nghĩa cơ thể bạn khỏe mạnh. Loại dịch này giúp mũi ngăn ngừa và loại bỏ bụi bẩn từ môi trường. Chúng chứa các protein và kháng thể chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập vào khoang mũi. Tuy nhiên, đôi khi đó cũng có thể là dấu hiệu của dị ứng, đặc biệt nếu bạn cảm thấy ngứa mũi và bị hắt hơi.

Dịch mũi trong và dày: Loại chất nhầy này là dấu hiệu của dị ứng mạn tính. Nó làm tắc mũi, thậm chí gây sưng niêm mạc mũi. Tốt nhất, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng hoặc dị ứng để được tư vấn cụ thể.

Dịch màu trắng: Đây là dấu hiệu bạn bị viêm mũi hoặc cảm lạnh thông thường. Các niêm mạc bị viêm, sưng, làm chậm dòng chảy của chất nhầy, khiến mũi bị mất độ ẩm và trở nên dày, trắng và đục.

Dịch màu vàng: Đây là dấu hiệu cảm lạnh hoặc viêm mũi đang biến chứng nghiêm trọng hơn. Các tế bào máu trắng chống nhiễm trùng tập trung ở nơi bị nhiễm khuẩn, chúng lẫn trong dịch nước mũi khiến dịch chuyển sang màu vàng. Cảm lạnh có thể kéo dài 10-14 ngày. Tốt nhất lúc này, bạn nên nghỉ ngơi và uống đủ nước cần thiết, đảm bảo cơ thể đủ khỏe mạnh để chống lại bệnh tật.

Dịch màu xanh lá cây: Đây là dấu hiệu hệ miễn dịch đang hoạt động hết mức để chống lại nhiễm trùng gây cảm lạnh. Chất nhầy lúc này dày đặc với các tế bào trắng chết. Nếu bệnh kéo dài hơn 12 ngày, bạn nên đi khám bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu viêm xoang, nhiễm khuẩn, đặc biệt kèm theo sốt hoặc buồn nôn.

Dịch màu hồng hoặc đỏ: Đây có thể là máu. Nó có nghĩa niêm mạc mũi đã bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như bị khô, xì mũi quá mạnh hoặc gãy mũi. Ho quá nhiều cũng có thể khiến dịch mũi có máu do các mạch máu bị vỡ ở mũi hoặc cổ họng. Nếu sau 30 phút mà máu chảy không ngừng, bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra. Đặc biệt, nếu hiện tượng này xuất hiện ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.

Dịch màu nâu: Đó có thể là máu cũ bị khô lại hoặc bạn đã hít phải bụi bẩn hay khí độc. Hãy sử dụng nước muối biển để làm sạch chúng.

Dịch màu đen: Nếu bạn không phải là người hút thuốc hoặc ma túy, chất này màu đen có thể là dấu hiệu nhiễm nấm nghiêm trọng. Nó thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương. Loại chất nhầy này cũng xuất hiện ở những người mắc bệnh phổi mạn tính.

Dịch màu đục, dấp dính và có mùi tanh: Đây chính là dấu hiệu của viêm xoang mạn tính. Vùng niêm mạc mũi và cổ họng bị sưng và sản sinh ra nhiều chất nhầy, gây ra hiện tượng trên. Nếu đã thử nhiều cách chữa trị và sử dụng thuốc kháng sinh nhưng không có hiệu quả, bạn cần mau chóng đến gặp bác sĩ để có biện pháp chữa trị khác tốt nhất.

Tác giả: Phương Mai

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: dịch mũi , Đoán bệnh , màu sắc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP