Kinh tế

DN phải đóng cửa, phá sản vì vi phạm tiêu chuẩn môi trường

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới phải đóng cửa vì không đủ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn trong khi một số khác cố tình gian lận và đứng trước nguy cơ phá sản.

Từ lâu, câu chuyện về xả thải là một bài toán khó giải với các nhà sản xuất công nghiệp. Vì lợi nhuận, nhiều công ty sẵn sàng "lờ" các quy định và tiêu chuẩn, những điều giúp bảo phần nào vệ môi trường khỏi các hoạt động của con người.

Đóng cửa vì vi phạm

Hồi tháng 1, cơ quan giám sát Tòa án Xanh Quốc gia Ấn Độ (NGT) đã chỉ đạo đóng cửa 313 cơ sở vì vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường (EPA) trong suốt 2 thập kỷ qua. Phán quyết của NGT là kết quả của một cuộc chiến suốt 13 năm được dẫn dắt bởi các nhà môi trường học ở bang Gujarat.

NGT yêu cầu mỗi cơ sở phải nộp tiền phạt vì đã thực hiện hành động hủy hoại môi trường và nêu rõ việc họ nên tập trung khắc phục hậu quả. Trong trường hợp không nộp tiền phạt trước thời hạn, chính quyền sẽ thực hiện các bước tịch thu hàng hóa, chứng khoán và bán để thu hồi số tiền quy định.


Mỹ kiện VW vì trò gian lận trong các cuộc kiểm tra về tiêu chuẩn khí thải. Ảnh: Reuters

Trước đó, tháng 3/2015, một số nhà máy tại Lâm Nghi, một thành phố công nghiệp ở miền đông Trung Quốc, cũng chung số phận. Đây là dấu hiệu của việc chính phủ nước này đẩy mạnh thực thi luật môi trường sau khi nhận chỉ trích ngày càng nhiều từ phía người dân về tình trạng ô nhiễm. Theo Reuters, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố, Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để chống ô nhiễm.

Lĩnh vực thép và năng lượng là trung tâm của cuộc chiến này. Bắc Kinh phải đối mặt với những thách thức của việc kiểm soát khí thải mà không ảnh hưởng tới nền kinh tế. Tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ tác động đến toàn ngành công nghiệp và tăng chi phí cho các doanh nghiệp.

Hầu hết các đơn vị phải tạm ngừng sản xuất là các nhà máy thép. Hầu như tất cả các công ty sản xuất thép tại thành phố Lâm Nghi buộc phải đóng cửa và chưa xác định ngày tái hoạt động.

“Trận chiến chống ô nhiễm của Bắc Kinh sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các nhà máy và đẩy những đơn vị yếu kém đến bước đường cùng”, Cheng Xu Bao, một nhà phân tích công nghiệp tại Custeel, nói.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng thúc giục chính quyền tại các thành phố khác xử lý mạnh tay những doanh nghiệp vi phạm. Một số nhà máy phải đối mặt với việc đóng cửa vĩnh viễn nếu không thể nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng tiêu chuẩn cứng rắn hơn sau khi chính quyền địa phương yêu cầu họ ngừng sản xuất.

Vướng vòng lao lý, bồi thường tỷ đô

David Uhlmann, giáo sư luật của trường Đại học Michigan, cho biết, trong các quốc gia trên thế giới, Mỹ thường xử lý mạnh tay về vấn đề vi phạm môi trường hơn so với các nước khác.

Điển hình như năm 2014, Anadarko Petroleum Corp thua trong vụ kiện pháp lý cáo buộc hoạt động của công ty này gây ô nhiễm môi trường, là nguồn gốc của căn bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.

Sau hàng năm trời kiện tụng, ngày 3/4 năm đó, gã khổng lồ ngành năng lượng tuyên bố trả 5,15 tỷ USD để giải quyết vụ việc, Reuters đưa tin.

Sau đó 2 năm, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện một trong những nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới Volkswagen (VW) với cáo buộc vi phạm EPA bằng cách lắp những thiết bị không đủ tiêu chuẩn cho 600.000 ô tô bán vào thị trường Mỹ. Vụ kiện có thể khiến gã khổng lồ này phá sản. Một số người khẳng định, bất cứ doanh nghiệp nào ngang nhiên lừa dối khách hàng nên bị tước giấy phép hoạt động.

Theo hồ sơ, VW đã giở trò gian dối trong các cuộc kiểm tra về tiêu chuẩn khí thải, mở ra một cuộc chiến pháp lý có thể tốn kém hơn những gì mà nhà sản xuất ô tô của Đức dự đoán. Số tiền phạt có thể lên tới 80 tỷ USD - gấp 4 lần so với mức tối đa mà một số chuyên gia pháp lý ước tính.

VW phải đối mặt với hàng trăm vụ kiện riêng ở Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, họ sẽ xử lý trường hợp này giống trường hợp chống lại BP Plc trong vụ kiện tràn dầu tại vùng Vịnh.

Tương tự tại châu Âu, trò gian dối với 800.000 chiếc xe có cũng gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nhân viên của VW chưa đến 600.000 người trên toàn thế giới. Một phần trong số họ có thể nhận thức những sai phạm. Vì vậy, họ cũng có thể phải gánh vài tội danh. Các nhà quản lý tại ít nhất 7 quốc gia, bao gồm Đức, bị điều tra. Mỹ cũng có thể dùng cáo buộc hình sự để chống lại công ty này vì dùng các thiết bị gian lận để qua mặt Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

"VW cần phải sửa chữa các vấn đề mà họ đã tạo ra và hợp tác trong cuộc điều tra của chính phủ cũng như chú ý đến các nạn nhân của họ”, Uhlmann, khuyên.

Kể từ khi giới chức cho biết VW gian lận trong các bài kiểm tra khí thải, cổ phiếu của công ty này giảm mạnh. Ngoài Volkswagen, vụ kiện cũng nêu tên các công ty con như Audi AG, Porsche AG và Porsche Cars North America. Các vi phạm liên quan tới những mẫu xe từ năm 2009 đến 2016 bao gồm Volkswagen Jettas, Golfs and Passats cũng như Audi A6 và A7 Quattro.


Quy trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn của các nhà máy thép tương đối tốn kém "khiến" nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại Ấn Độ vào tháng 7/2012, Bhusan Steel Limited (BSL) gặp khó khăn sau khi bị phát hiện đã vi phạm EPA. Họ đặt mục tiêu tăng công suất từ 3,1 triệu tấn thép lên 5,6 triệu tấn và bắt đầu thực hiện mà không áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.

Theo công tố viên AK Agarwalla, vụ kiện chống lại giám đốc điều hành của công ty, ông A. Berma, do vi phạm điều 15 và 16 của luật bảo vệ môi trường năm 1986. Theo quy định, hình phạt tối đa có thể là 5 năm tù, phạt tiền hoặc cả hai hình phạt nếu bị tòa kết tội.

Trước đó, Ban Kiểm soát Môi trường của bang Odisha từng ra thông báo đóng cửa nhà máy vào cuối năm 2011 sau khi phát hiện những lỗ hổng trong các biện pháp bảo vệ môi trường của BSL.

"Chúng tôi đã yêu cầu họ dừng hành động xây dựng trái phép nhưng họ vẫn cố tình vi phạm khiến Công đoàn Bộ Lâm nghiệp và Môi trường phải vào cuộc", một quan chức chia sẻ.

Thỏa thuận khí hậu tại COP 21 khiến tình hình thêm khó khăn

Ngày 12/12 năm ngoái, đại diện của 195 quốc gia tại COP21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C. Theo đó, các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường cũng tăng lên.

Theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Grantham, nhiều công ty phải đối mặt với nguy cơ phá sản tăng cao nếu “lờ đi” thỏa thuận của COP21.

“Các rủi ro và chính sách khí hậu có thể tác động mạnh đến các doanh nghiệp trên toàn cầu trong những năm tới”, các nhà kinh tế viết trong bản báo cáo.

Tài liệu của Viện Nghiên cứu Grantham cũng đưa ra một số kiến nghị và cung cấp các định nghĩa rõ ràng hơn về những thuật ngữ như “các rủi ro liên quan đến khí hậu” và “các tác động khí hậu” nhằm giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn những nguy cơ mà họ phải đối mặt.

Điều này phụ thuộc vào chiến lược hơn là hiệu suất của họ. Trong những hoàn cảnh như vậy, tất cả các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc xây dựng khả năng phục hồi và lập kế hoạch với mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon, thông qua tiếp cận thị trường và công nghệ mới phù hợp với các chính sách mới.

Tuy nhiên, mức độ mà họ mong đợi để hưởng lợi sẽ phụ thuộc vào chi phí của hành động và phân phối các rủi ro.

Ngoài ra, báo cáo cho biết, các công ty cũng nên chú tâm vào những rủi ro như các luật và chính sách mới, tiến bộ công nghệ, thay đổi sở thích của người tiêu dùng và các rủi ro với danh tiếng của một công ty.

“Chúng có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của thị trường tài chính và dẫn đến những thay đổi nhanh chóng hơn trong việc định giá”, bản báo cáo nói.

Bên cạnh đó, tài liệu cũng đề cập tới việc song song với thách thức là cơ hội. Ví dụ, nỗ lực chính sách tập trung có thể dẫn đến việc triển khai nhiều công nghệ mới, khiến giá thành công nghệ giảm.

Tác giả bài viết: Kim Ngân (tổng hợp)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP