Xã hội

Đề xuất nhiều giải pháp cứu biển Cửa Đại

Ngày 25/5, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Bộ NN&PTNT và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo Quốc gia nhằm tìm kiếm những giải pháp để cứu biển Cửa Đại khỏi nguy cơ sạt lở.

Rất nhiều ý kiến đề xuất của các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra tại hội thảo để bảo vệ bờ biển Hội An và vùng ven hạ lưu sông Mêkông.

Rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước bàn giải pháp để cứu biển Cửa Đại ngày 25/5 tại Hội An

Tại Hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ bờ biển Cửa Đại một cách bền vững trên cơ sở thu thập dữ liệu, đo đạc và quan trắc địa hình, sóng, dòng chảy, lượng bùn cát, tính toán sóng và dòng chảy ven bờ …

Quan đó, đề xuất các giải pháp bảo vệ khẩn cấp như cấm mọi hình thức khai thác cát ven sông Thu Bồn và khu vực Cửa Đại; nuôi bãi kết hợp xây dựng đê ngầm dài gần 7 km dọc theo bờ biển; tăng lưu lượng trầm tích từ cửa sông Thu Bồn đến bờ biển phía Bắc; nạo vét luồng rộng 200m và chiều sâu 8m, dọc theo bờ trái cửa sông.

Khu vực bãi biển Cửa Đại đoạn từ resort Victoria đến Palm Garden đang đượclàm kè mềm và hút cát bơm vào để tạo bãi

Hội thảo đã công bố kết quả chính dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững” do các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế triển khai từ tháng 7/2016 đến nay. Dự án được do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Quảng Nam tài trợ.

Đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An, GS Nguyễn Kim Đan (Phòng thí nghiệm thủy lực Saint Venant, Pháp) cho biết trong gần 1 năm, nhóm đã phân tích thực nghiệm và mô hình số tập trung vào các lĩnh vực như mô phỏng 2D, 3D các dòng chảy của sông Thu Bồn, dòng chảy khu vực bờ biển Hội An và sự vận chuyển bùn cát; mô phỏng 3D dòng chảy bờ biển, xói lở bờ biển; bùn cát thượng lưu…

Theo các nhà khoa học, việc xây dựng các công trình ngay sát bờ biển, ảnh hưởng của việc xây dựng cầu Cửa Đại làm chệch dòng chảy và đẩy lượng bùn cát về phía nam, giảm về phía bắc bãi biển cũng là gây nên hiện tượng xói lở thời gian qua.

Khu vực phía Bắc biển Cửa Đại, đoạn từ resort Palm Garden trở lên hiện tiếp tục có dấu hiệu sạt lở mạnh

Bên cạnh đó, qua nghiên về quá trình xói lở bờ biển Cửa Đại, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu hụt lượng bùn cát trên thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn là do các thủy điện giữ lại phần lớn.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, nguyên nhân gây xói lở bờ biển Cửa Đại là do có sự thay đổi về sóng, số lần xuất hiện sóng cao trong những năm gần đây gia tăng. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình bảo vệ một cách cục bộ của các resost cũng làm gia tăng hiện tượng xói lở ra phía bắc bãi biển Cửa Đại.

Trên cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm, các chuyên gia đề xuất triển khai giải pháp nuôi bãi biển với chiều dài khoảng 6,5km. Việc nuôi bãi được triển khai bởi một hệ thống đê ngầm cao 1,5m, cách bờ biển khoảng 200m và có thể biến đổi tùy theo độ sâu của đáy biển. Việc nuôi bãi sẽ thực hiện theo phân đoạn, tùy theo mức độ thi công của nhà thầu.

Các chuyên gia đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cấm tất cả các hình thức khai thác cát dọc theo sông Thu Bồn, quanh biển Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An. Ngoài ra, cấm xây dựng các kè bảo vệ các khách sạn một cách cục bộ vì các công trình này sẽ gây mất ổn định bờ biển Hội An; cấm xây dựng các công trình khác ở bãi biển Hội An; nâng cao nhận thức của quân chúng tham gia bảo vệ bờ biển…

Phát biểu góp ý về các giải pháp chống sạt lở biển Hội An, ông Hoàng Văn Thắng (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT) đề nghị nhóm chuyên gia phải tính đến ứng phó với các đợt mưa to, sóng lớn; trước mắt cần có giải pháp ứng phó khẩn cấp, giảm thiểu bức xúc của người dân trong đợt mưa bão cuối năm nay.

Ông cũng đề nghị AFD tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu để khi có vốn đầu tư sẽ có đủ dữ liệu triển khai các giải pháp bảo vệ bờ biển Hội An.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có bờ biển dài trên 125km. Bờ biển Hội An có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và thu hút khách du lịch. Thời gian qua, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10m đến 15m, dài hơn 2km.

Ông Thu cũng cho biết, kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp của nhóm nghiên cứu, các chuyên gia là cơ sở để chính quyền tỉnh Quảng Nam đưa ra giải pháp tổng thể bảo vệ bờ biển Hội An sớm nhất.

Tác giả: Công Bính

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP