Giáo dục

Đề xuất đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa Ngữ văn mới

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề xuất đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình Ngữ văn mới để giáo dục cho học sinh.

Sáng 22/3, tọa đàm “Góp ý chương trình giáo dục phổ thông tổng thể môn Ngữ Văn” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức tại Hà Nội.

Theo ban soạn thảo, dự kiến 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12 gồm: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.L.

Ngoài 6 tác phẩm trên, các tác giả viết sách giáo khoa được phép chủ động lựa chọn tác phẩm văn học phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất, năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, có giá trị đặc sắc về nội dung nghệ thuật, tính chuẩn mực sáng tạo về ngôn ngữ.

Đây là cách xây dựng chương trình hoàn toàn mới so với cách tiếp cận hiện nay.

Bày tỏ về vấn đề này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được đưa vào môn Địa Lý và Lịch Sử, tuy nhiên trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới lại không đề cập nội dung này. Chúng ta phải giáo dục cho học sinh về hai quần đảo này thông qua những bài thơ, văn.

GS Đinh Xuân Dũng, phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, kiến nghị nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) sách giáo khoa môn Ngữ văn chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là khó chấp nhận. Nếu chỉ dừng lại ở 6 tác phẩm văn học bắt buộc, thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ tập trung 6 tác phẩm đó.

PGS.TS Nguyễn Bá Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu chỉ chọn 6 tác phẩm bắt buộc học, còn lại tự chọn sẽ tạo nguy cơ loạn về sách giáo khoa. Mỗi trường, địa phương sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về Ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng ra đề.

Không đồng tình với 6 tác phẩm bắt buộc trong sách giáo khoa Ngữ văn mới, GS Trần Thị Việt Trung, ĐH Thái Nguyên, góp ý nên mở rộng để có tính thẩm mỹ.

Theo GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, các tác phẩm khi chọn lựa cần phải dựa vào 4 nguyên tắc: Mang bóng dáng thời đại; hợp với bản chất của tác giả; hợp với trình độ của người học. Vì vậy, những gì quá khó không nên đưa vào chương trình sách giáo khoa mà chọn tác phẩm mang tính giáo dục giới trẻ.

GS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn, cho biết việc xây dựng một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa dựa trên các nghị quyết của Đảng. Độ mở của chương trình đáp ứng việc biên soạn nhiều bộ sách và tăng tính tự chủ trong sách giáo khoa.

Bộ phận soạn thảo không thể bao quát hết tác phẩm văn học, chương trình chỉ đưa ra định hướng lớn. Việc lựa chọn tác phẩm văn học tự chọn và tác giả để đưa vào giảng dạy trong nhà trường đã có những tiêu chí cụ thể.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP