Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia |
Lắt léo và nặng kỹ năng Toán học
Nhận xét bao quát về đề Hoá học năm nay, TS. Tuấn cho biết, các đề thi có cấu trúc và nội dung tương tự Đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã phổ biến trong năm học.
“Có 40 câu trong các mã đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ mức độ năng lực nhận biết, thông hiểu, vận dụng cho tới vận dụng cao, theo tỷ lệ 30% – 30% – 20%-20%. Cụ thể: từ câu 41 tới 52 đều ở mức độ năng lực nhận biết (chiếm 30%), các câu ở mức độ thông hiểu chiếm 30%, các câu ở mức độ vận dụng chiếm 20% và vận dụng cao chiếm 20%”.
Số lượng câu hỏi có nội dung nguyên kiến thức lớp 11 là 6 câu – chiếm 15%. Ngoài ra kiến thức lớp 11 còn tích hợp vào câu hỏi với kiến thức lớp 12, nhưng tổng số câu hỏi có nội dung kiến thức lớp 11 chiếm không quá 20%.
Tuy nhiên, TS. Tuấn cho rằng các câu hỏi ở mức độ năng lực vận dụng cao nhiều quá - từ câu 73 đến 80, chiếm 20% (năm ngoái là khoảng 6 câu). Và phần lớn các câu này đều có bản chất là tự luận (phần dẫn quá dài và rắc rối) không phù hợp với hình thức câu hỏi trắc nghiệm khách quan.
“8 câu cuối dành cho học sinh khá, giỏi nhưng học sinh khá, giỏi cũng không thể hoàn thành được trong thời gian đó. Mặc dù dạng đề quen thuộc nhưng tính lắt léo và phi thực tế tăng lên. Các câu hỏi chỉ là những tình huống giả định, không dựa vào kiến thức Hoá học, mà dựa vào tình huống Toán học lắt léo. Mức độ khó không về kiến thức, mà lại ở các tình huống giả định. Vì thế học sinh không vượt qua được trong thời gian 50 phút. Nếu cho thêm thời gian thì học sinh khá giỏi có thể làm được để có kết quả như mong muốn”.
Ông Tuấn đánh giá, dạng câu khó trong đề Hoá năm nay không khác gì năm ngoái về mặt kiến thức, nhưng về tính lắt léo về mặt Toán học thì tăng lên rất nhiều.
“Với 8 câu khó này, học sinh khá giỏi phải mất từ 5-7 phút/ câu nếu thực sự quen thuộc và được rèn luyện với dạng đề”.
Ngoài ra, TS. Tuấn cho rằng, môn Hoá học là môn khoa học thực nghiệm, nhưng các câu hỏi về kiến thức thực tiễn trong đề hiện tại là ít, mà nặng về kiến thức Toán học.
“Học sinh học Hoá mà ra ngoài đời, các hoá chất cũng không biết thì đó là sai sót của việc dạy học và thi cử. Hiện nay thi quyết định dạy như thế nào. Đề thi có nhiều kiến thức thực tiễn thì giáo viên phải dạy thực tiễn. Đề thi Hoá mà nhiều kỹ năng Toán thì năm tới, giáo viên lại ôn luyện cho học sinh dạng đề nghiêng về kỹ năng Toán trong Hoá. Như vậy là sai lệch với môn Hoá” – ông nói.
Với đề thi này, học sinh đua nhau không phải về năng lực mà là vấn đề thời gian. “Học sinh làm tốt đề này chưa chắc đã phải giỏi Hoá, mà có thể là giỏi Toán vì kiến thức Toán trong đó nhiều quá”.
Xem lại cách ra đề
Câu hỏi trong một mã đề môn Hoá năm nay |
Trước việc đề thi các môn Khoa học tự nhiên năm nay được đánh giá là quá khó, đặt ra những câu hỏi về sự phù hợp của hình thức thi trắc nghiệm với các bộ môn này, TS. Tuấn cho biết, về mặt chuyên môn, ông không ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm. Nhưng để thuận lợi cho việc tổ chức thi cử thì ông cho rằng hình thức thi này có thể chấp nhận được.
“Thi trắc nghiệm có thể tiết kiệm được nhân lực chấm thi hoặc phủ kiến thức rộng hơn. Nhưng cũng “chôn vùi” nhiều thứ về mặt kỹ năng cho học sinh. Đặc biệt, cái khó của đề thi Hoá học hiện nay lại rơi vào phần tự luận, chứ không rơi vào phần trắc nghiệm. Những câu từ 73 đến 80 bản chất là câu tự luận chứ không phải trắc nghiệm, nên các em bị mất thời gian trong quá trình làm bài. Trên thế giới, thi trắc nghiệm khách quan, không có câu nào làm đến 3-4 phút cả. Mỗi câu chỉ làm chừng nửa phút đến 1 phút. Còn đề của chúng ta, ví dụ đề Toán, có câu phải 10-15 phút mới giải được”.
Ông cho rằng cách ra đề đã làm mất tính chất của trắc nghiệm.
Góp ý cho bài thi trắc nghiệm những năm sau, TS. Tuấn nói: “Tôi nghĩ tăng thời gian làm bài thì không nhất thiết nhưng nên nghiên cứu về cách ra đề cho bớt nặng nề, phù hợp với thời gian và trình độ của học sinh. Cái này các chuyên gia có thể làm được”.
Nếu như năm trước, đề thi được đánh giá là “dễ quá” thì TS. Tuấn cho rằng “đó mới là lời khen”.
“Điều đó có nghĩa là đề thi phù hợp với số đông học sinh. Còn như hiện nay là phục vụ phát hiện một nhóm nhỏ học sinh.
Tác giả: Nguyễn Thảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet