Niềm vui của các thí sinh sau khi hoàn thành phần thi cuối cùng. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Sáng 27/6, thí sinh kết thúc Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 với bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội. Nhiều thí sinh đánh giá đề sát chương trình học, vừa sức, nếu vận dụng kiến thức xã hội tốt thì việc đạt điểm 7 hoặc 8 là không quá khó.
* Đề thi vừa sức
Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Việt Trì (Việt Trì, Phú Thọ), thí sinh rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi sau khi kết thúc bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội.
Em Nguyễn Đức Nghĩa, thí sinh tự do dự thi vào Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Đề yêu cầu liên hệ với kiến thức thực tế khá nhiều, bắt buộc thí sinh phải nắm được những kiến thức ngoài xã hội để vận dụng vào bài thi. Dù đề có khó hơn năm ngoái nhưng nếu chịu khó tư duy thì thí sinh đạt điểm 7 hoặc 8 là không quá khó.
Cô Đỗ Thu Hà, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Công nghiệp Việt Trì, Phú Thọ nhận xét: Về cơ bản, cấu trúc đề thi các môn năm nay không có thay đổi nhiều so với năm trước; tỷ lệ kiến thức cơ bản, kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh hợp lý.
Phần chương trình kiến thức lớp 11 cũng không bất ngờ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình thi rất rõ trước đó, công bố đề tham khảo để các Sở, nhà trường có định hướng chỉ đạo ôn thi phù hợp. Nhìn chung, đề thi Tổ hợp Khoa học Xã hội vừa sức với các thí sinh, lượng kiến thức hợp lý, phù hợp với kỳ thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học , đảm bảo có sự phân hóa rõ ràng.
Khác với những môn thi trước, tại Cụm thi số 61 tỉnh Bạc Liêu, phần lớn thí sinh làm bài thi Tổ hợp Khoa học Xã hội khá tốt, các em rất phấn khởi khi làm bài đạt 80-90%.
Thí sinh Đỗ Duy Chí Dân, lớp 12A3, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bạc Liêu, thành phố Bạc Liêu chia sẻ: Tuy không học chuyên Khối Khoa học Xã hội nhưng với đề thi này em cũng làm được bài đạt trên 70%.
Theo thầy Nguyễn Xuân Nam, Tổ trưởng tổ Địa lý, Trưởng Trung học Phổ thông Bạc Liêu, thành phố Bạc Liêu, đề thi năm nay chuẩn xác; kiến thức, khả năng phân loại học sinh tương đối, không có khoảng cách chênh lệch cao; nhiều câu mang tính thời sự, thực tiễn…
Thầy Huỳnh Nhật Giang, giáo viên dạy Lịch sử, Trường Trung học Phổ thông Giá Rai, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nhận xét: Đề thi môn Lịch sử tuy dài nhưng nội dung, kiến thức vừa tầm, chủ yếu kiến thức tập trung ở khối 11 và 12 nên các thí sinh làm bài khá tốt.
Kết thúc buổi thi Tổ hợp Khoa học Xã hội, nhiều học sinh, giáo viên tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) đều cho răng đề thi khá vừa sức.
Học sinh Trần Phương Uyên (Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An) chọn thi khối D với nguyện vọng vào trường Đại học Ngoại thương, Uyên cho biết: Đề thi hôm nay không quá khó, không quá dài và không đánh đố học sinh. Trong 3 môn thi hôm nay, đề thi Sử là khó nhất, đề môn Giáo dục Công dân có những câu hỏi dài nhưng không khó.
Em Nghiêm Thùy Trang (Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An) nhận xét: Với đề thi Giáo dục Công dân năm nay, em nghĩ phần lớn các bạn sẽ đạt điểm tốt, nhiều bạn thừa đến 30 phút vì đề khá dễ. Đề Địa không khó, có nhiều câu hỏi hay, em làm cẩn thận nên đến phút cuối mới xong. Đề Sử khó, mức 5 điểm cũng khó đạt. Thời gian nghỉ giữa các môn thi theo em hơi ít, thi xong môn này, vừa thu bài xong là phát đề môn tiếp theo nên thực ra tụi em không có thời gian nghỉ.
*Đề sử khó nhất
Em Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 12A2, Trường Trung học Phổ thông Việt Trì (Phú Thọ) chia sẻ: “Đề năm nay rất khó. Riêng môn Sử đối với những bạn thi tốt nghiệp cố gắng mới được điểm 5 hoặc 6; còn để làm tốt bài thi thì phải nắm chắc kiến thức. Môn Giáo dục Công dân bao quát rộng nhiều vấn đề về đạo đức, chính trị, xã hội, có nhiều câu tình huống.
Các thí sinh trao đổi bài sau khi đã hoàn thành phần thi cuối. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Cùng ý kiến với Hà, thí sinh Đỗ Anh Quân, học sinh lớp 12A6, Trường Trung học Phổ thông Việt Trì cho rằng: “Đề năm nay khó hơn năm ngoái. Nếu chỉ thi để tốt nghiệp thì bình thường, còn để xét vào đại học thì rất khó".
Thí sinh Đỗ Tùng Lâm (Trường Trung học Phổ thông Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: Đề Sử rất “khó” vì đây vốn là môn em yếu. Hai môn Địa lý và Giáo dục Công dân thì dễ, nội dung có sẵn trong sách và tụi em đã được ôn nhiều lần nên đọc đề là có thể khoanh đáp án.
Thí sinh Nguyễn Minh Thành (Trường Trung học Phổ thông Đông Đô - Hà Nội) cho biết: Mỗi đề thi có 40 câu, không quá dài so với thời gian làm bài. Đề Sử là khó nhất với nhiều kiến thức về sử Việt Nam nhưng nếu bạn nào học chắc thì mới làm được. Em chắc chỉ đủ điểm qua môn Sử. Đề Giáo dục Công dân và đề Địa lý đề không quá khó. Dự tính 2 môn này em được 8-9 điểm.
* Sát cánh cùng thí sinh
Buổi thi cuối cùng khu vực Hồ Tây (Hà Nội) trời mưa to nên học sinh ra khá muộn. Nhiều phụ huynh đợi con cả tiếng dưới mưa. Tại khu vực cổng Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An cũng ghi nhận sự nhiệt tình của các bạn sinh viên tình nguyện, đội mưa để phân luồng tránh ùn tắc giao thông và hỗ trợ các em thí sinh.
Có con thi khối D, chị Lưu Thúy Hòa (Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ: Học lực của cháu thuộc loại khá nên gia đình và cháu cũng không lo lắng lắm. Mặc dù vậy, tôi vẫn thu xếp công việc để có thời gian đi đón cháu. Là buổi thi cuối cùng nên tâm lý của các phụ huynh cũng khá thoải mái dù rằng thời tiết lúc đón con không thuận lợi.
Theo báo cáo Cụm thi số 61 tại tỉnh Bạc Liêu, trong 3 ngày thi vừa qua, thời tiết trên địa bàn có mưa nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các thí sinh. Qua đánh giá bước đầu, các ngày thi tại Cụm thi số 61 tại Bạc Liêu diễn ra ổn định. Bạc Liêu thuộc Cụm thi số 61, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu chủ trì phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức. Kỳ thi năm nay, Bạc Liêu có trên 5.300 thí sinh đăng ký dự thi, được bố trí tại 14 điểm thi.
Cũng trong những ngày thi vừa qua, Tỉnh Đoàn Bạc Liêu phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức tổ chức nhiều hoạt động tiếp sức mùa thi như: Hỗ trợ hàng ngàn suất cơm, nước suối, áo mưa, dung cụ học tập, tiền, chỗ ở, báo… trị giá hàng trăm triệu đồng cho thí sinh./.
Nguồn tin: bnew.vn