Một ca khám họng cho trẻ em tại bệnh viện - Ảnh: T.T.D. |
Mới đây, bé trai N.T.H.V., 19 tháng tuổi, ngụ ở Bình Dương, đã tử vong chỉ vì bị hóc trái nhãn.
Trước đó ngày 4-2, bé V. ở nhà với chị gái mới được 8 tuổi trong khi cha mẹ bé đi làm. Lúc trông coi em, chị gái bỗng phát hiện bé T. bị tím tái, bất tỉnh.
Sau này, người nhà có hỏi lại bé chị về việc bé V. bị bất tỉnh bao lâu thì chị không rõ. Chị bé V. đã liên lạc với cha mẹ, dì nhưng đều không gặp được. Buổi trưa, lúc cha mẹ bé về đến nhà thì thấy bé chị sợ hãi cứ bế em trên tay, chạy lòng vòng ở trong nhà.
Ngưng tim, ngưng thở
Người nhà lập tức đưa bé V. đến cấp cứu tại Bệnh viện Hạnh Phúc (Bình Dương) nhưng khi đưa tới bệnh viện bé đã ngưng tim, ngưng thở.
Theo các bác sĩ, khoảng thời gian đưa bé V. từ nhà đến bệnh viện chỉ ghi nhận mất 10 phút nhưng thời gian này không có ý nghĩa vì quan trọng là khoảng thời gian bé bị hóc dị vật đến bệnh viện. Thế nhưng, gia đình không biết bệnh nhi đã bị hóc dị vật từ khi nào.
Tại bệnh viện, bé V. đã được cấp cứu ngưng tim, ngưng thở. Trong quá trình đặt nội khí quản để cấp cứu đường thở cho bệnh nhi, các bác sĩ phát hiện có một trái nhãn nằm ở thanh môn, bít kín hoàn toàn đường thở. Đây chính là nguyên nhân làm bé bị ngạt, sau này dẫn tới tử vong.
Sau 5 phút được cấp cứu, tim bé đập trở lại. Tuy nhiên, bé vẫn trong tình trạng hôn mê sâu vì khoảng thời gian từ lúc phát hiện bị hóc dị vật đến khi đưa vào bệnh viện là quá trễ.
Nhận thấy tình trạng bé rất nặng nên bệnh viện đã liên hệ với Bệnh viện Nhi Đồng 2 để chuyển bé lên điều trị. Bé nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng tổn thương thần kinh nặng, mất hết các phản xạ của vùng thân não, sốc thần kinh và tổn thương đa cơ quan nặng.
Sau hơn một ngày điều trị, tổn thương thần kinh của bệnh nhi không cải thiện, biết không thể cứu được bệnh nhi nên người nhà đã xin đưa bệnh nhi về để lo hậu sự.
"Đây là một trường hợp rất thương tâm. Trẻ đang khỏe mạnh, vui chơi bình thường nhưng chỉ một sơ ý đã gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ" - bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, chia sẻ.
Các bác sĩ cho biết Bệnh viện Nhi Đồng 2 gặp rất nhiều ca hóc dị vật từ hạt nhãn, nút áo, những viên pin nhỏ trong đồ chơi, hạt dưa, hạt bí, rau câu, đậu phộng, hóc xương...
Không nên lơ là trẻ
Bác sĩ Cao Minh Thức, trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong những ngày trước tết, cha mẹ bận rộn nhiều việc nên số trẻ bị hóc dị vật nhập viện thường tăng. Trẻ bị hóc dị vật gặp nhiều ở lứa tuổi từ 1-2 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cho rằng các bậc cha mẹ có nhiều công việc bận rộn. Tuy nhiên, không vì vậy mà để trẻ nhỏ ở nhà với một trẻ khác mà không có sự canh chừng của người lớn.
Các bác sĩ lưu ý tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng thì đều có nguy cơ trở thành dị vật. Không chỉ riêng những loại trái cây mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ em.
Trong những ngày tết, nhiều gia đình thường mua các loại hạt về ăn. Đây cũng có thể trở thành dị vật. Một trong những nguyên nhân gây ngạt gần đây hay được đề cập là rau câu viên. Loại rau câu này cũng được nhiều gia đình mua. Các bậc cha mẹ cần lưu ý nên để những đồ vật, loại hạt, rau câu... ngoài tầm tay của trẻ nhỏ.
Khi bị hóc dị vật trẻ sẽ có biểu hiện tức thì. Lúc đó, trẻ vào bệnh viện với biểu hiện như ngạt, tử vong. Bên cạnh đó, có những loại dị vật trở thành dị vật bỏ quên. Trẻ sẽ chỉ đơn thuần đến bệnh viện vì những bệnh cảnh như khò khè, viêm phổi nhiều lần. Tình huống này cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán.
Thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Chính vì thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ ngắn nên người lớn cần biết cấp cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Ngoài ra, trong chương trình của học đường cũng nên hướng dẫn cho trẻ những cách đối phó với tình huống khẩn cấp.
Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật Vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực. Ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài. Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp trẻ không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có thể tiến hành soi gắp dị vật. Đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển nó vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn. |
Tác giả: THÙY DƯƠNG
Nguồn tin: tuoitre.vn