Pháp luật

Đề nghị không chấp nhận kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Đức Chung

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, mức án 8 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung là phù hợp, không oan. Do đó, không có căn cứ để xem xét kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Sáng 21/6, phiên xử phúc thẩm cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C kết thúc phần xét hỏi. Bước vào phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội (VKS) nêu quan điểm giải quyết đối với kháng cáo của các bị cáo.

Cụ thể, đại diện VKS đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung; không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty Arktic.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đề nghị y án sơ thẩm (Ảnh: CTV).

Theo đại diện VKS, sau phiên sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án, kêu oan. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Chung giữ nguyên quan điểm kêu oan, cho rằng việc làm của bị cáo là không sai, bị cáo không vụ lợi. Bị cáo cho rằng bản thân không biết đến Công ty Arktic; không can thiệp, chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic.

Tuy nhiên, căn cứ lời khai các bị cáo khác, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, VKS cho rằng đủ căn cứ kết luận, ông Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Chủ tịch UBND TP Hà Nội lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức); tổ chức đoàn thăm quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C; cử bị cáo Nguyễn Trường Giang đi cùng đoàn.

Sau đó, ông Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng - cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội - mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (là công ty gia đình) với động cơ vụ lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tổng giá trị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.

Theo đại diện VKS, hành vi của ông Chung đã vi phạm Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015; vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp; vi phạm khoản 4, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Từ những phân tích trên, đại diện VKS cho rằng, mức án 8 năm tù mà tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung là phù hợp, không oan. Do đó, không có căn cứ để xem xét kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Đối với bị cáo Nguyễn Trường Giang, đại diện VKS nhận định, bị cáo Giang giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.

Cụ thể, bị cáo Giang tham gia suốt quá trình đoàn công tác, triển khai thực hiện mua chế phẩm Redoxy-3C với Công ty Thoát nước Hà Nội để hưởng lợi số tiền hơn 36 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước. Bị cáo Giang thực hiện hành vi theo chỉ đạo của bị cáo Chung, giúp sức tích cực và có hưởng lợi.

Xét thấy mức án 4 năm 6 tháng tù cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp, đại diện VKS cho rằng không có căn cứ xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Tác giả: Phúc Lâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP