Giáo dục

ĐBQH: Nâng lương để giáo viên hạn chế dạy thêm

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng dạy thêm, học thêm ngày càng phổ biến, một trong những nguyên nhân là do lương, thu nhập giáo viên chưa đủ sống.

Trong khuôn khổ Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.HCM) cho rằng, tình trạng dạy thêm học thêm là “câu chuyện lâu nay vẫn nhắc, có lẽ đã trở thành "căn bệnh trầm kha". Vậy tại sao vẫn còn tồn tại vấn đề đó? "Chúng ta phải rất suy nghĩ về vấn đề này", ông nói.

Theo đại biểu phân tích, hiện nay, hệ thống lương cho giáo viên các bậc phổ thông còn nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của đời sống thực tế. Bởi thế, mới dẫn đến câu chuyện các thầy cô giáo phải tổ chức dạy thêm.

Dạy thêm có 2 động cơ. Một là muốn nâng cao năng lực cho học sinh cũng như cho chính bản thân giáo viên. Hai là lại có phần nào liên quan đến vấn đề thu nhập, kinh tế, dẫn đến chuyện người học phải đóng tiền, mà học sinh đóng tiền lại chính là từ tiền túi của phụ huynh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.HCM).

"Câu chuyện ở đây là chưa tìm được tiếng nói chung. Phải làm sao giải quyết dứt điểm tình trạng này? Làm thế nào nâng cao đời sống cho giáo viên, từ đó mới có thể hạn chế mức thấp nhất chuyện học thêm, dạy thêm”, đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh.

Đại biểu Đức cũng cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông cũng là nguyên nhân khiến học sinh có lịch học kín mít, không có thời gian để nghỉ ngơi. Khi trẻ em mất quá nhiều thời gian trong việc học dẫn đến kiến thức xã hội có “lỗ hổng”, thiếu kỹ năng về văn hóa, xã hội trong cuộc sống, nên cách ứng xử còn hạn chế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu ý kiến, thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được đông đảo cử tri cũng như các cơ quan truyền thông báo chí quan tâm. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các địa phương cũng quan tâm đến vấn đề này và thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề dạy thêm, học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn không có nhiều chuyển biến. Nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm, để hoạt động này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay, bà nêu.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) lo ngại trước những tình trạng thương mại hóa giáo dục diễn ra ngày càng phổ biến. Tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa được các địa phương khắc phục.

Bà đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có giải pháp để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên. Đặc biệt, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm hơn nữa đến giáo dục và đào tạo, lương giáo viên, chương trình của học sinh.

Nhiều địa phương ban hành lệnh cấm dạy thêm

Đầu năm học, nhiều địa phương yêu cầu các trường, giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.

Sở GD&ĐT Phú Thọ và Nam Đình yêu cầu các trường nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học.

Sở GD&ĐT An Giang ban hành công văn chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường. Sở yêu cầu các trường tiểu học thực hiện đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Tác giả: MINH KHÔI

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP