Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Dự án đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 17/11/2022. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.838 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 829 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng… Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, dự án được bố trí vốn gần 3.400 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác).
Sau năm 2025, tiếp tục bố trí các kinh phí còn lại sau khi dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 1.380 trường hợp.
Theo thiết kế, tuyến đường vành đai phía Tây có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào Quốc lộ 61C. Toàn tuyến dài 19,3 km, mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế 50 - 60 km/giờ... với 25 cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518 m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2026.
* Chậm tiến độ
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ – đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án cho biết, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 1.380 trường hợp, nhưng đến nay các địa phương chỉ phê duyệt 416/1.221 trường hợp kiểm đếm (khoảng 34%), còn lại là số lượng lớn các hộ dân chưa xét pháp lý.
Các hộ dân phê duyệt và chi trả bồi thường nằm rải rác trên tuyến nên chưa thể thi công đồng bộ các gói thầu 16, 17, 19 và 20.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ Lê Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Trong khi đó, các khu tái định cư ở quận, huyện mà tuyến đường đi qua đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền nên chưa đủ điều kiện bàn giao làm ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo tính toán sơ bộ của các địa phương áp dụng theo giá đất năm 2022, kinh phí cho toàn bộ dự án dự kiến tăng. Với kinh phí được duyệt ban đầu chỉ giải quyết cho khoảng 40% số hộ, số còn lại phải chờ điều chỉnh chủ trương mới tiếp tục triển khai.
Hiện nay, do chưa có mặt bằng nên các nhà thầu đang tập trung lập thủ tục đầu vào như trình nhân sự, Ban chỉ huy công trường, nguồn vật liệu đầu vào, phòng thí nghiệm vật liệu thiết kế cấp phối bê tông... Một số đơn vị thi công đã tập kết phương tiện, bắt đầu phát hoang, đào khuôn đường với diện tích khoảng 2.400m2. Một số nhà thầu gặp khó khăn vì chưa có mặt bằng thi công và kiến nghị sớm được giao mặt bằng những vị trí ưu tiên.
Thông tin thêm về tiến độ dự án, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng còn chậm. Cụ thể là tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt công trình hạ tầng kỹ thuật như: cáp viễn thông, cấp nước, đường dây điện trung thế, hạ thế...
Theo ông Dũng, các dự án giao thông trên địa bàn thành phố hầu như đều vướng vấn đề hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể việc đền bù phần hạ tầng kỹ thuật theo phương án nào nên các bên còn rất lúng túng. Sở Giao thông Vận tải đề nghị Hội đồng thẩm định dự án chốt phương án đền bù vấn đề này theo 2 hướng: đền bù theo cơ sở pháp lý và đền bù theo hiện trạng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong năm 2023, số vốn bố trí cho giải phóng mặt bằng dự án này là 225 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu của dự án. Do chưa điều chỉnh được tổng mức đầu tư nên chỉ tập trung giải phóng mặt bằng cho các gói thầu đã triển khai. Trước tình hình trên, Sở Giao thông Vận tải đề nghị 4 quận, huyện có dự án đi qua đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho các vị trí ưu tiên trong tháng 4 tới để tập trung thi công các gói 16,17,19 và 20.
“Chúng tôi mong các địa phương giúp đỡ bàn giao mặt bằng để 4 gói thầu trên thi công. Các vị trí khác có thể chậm lại vì chưa đấu thầu. Đồng thời, khó khăn khác của dự án là đến nay Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận, huyện vẫn chưa ký hợp đồng với các đơn vị thiết kế để làm những bước tiếp theo”, ông Lê Tiến Dũng cho biết.
Điểm giao của dự án đường vành đai phía Tây với đường Nguyễn Văn Cừ đoạn qua phường An Bình, quận Ninh Kiều. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
* Xây dựng 3 phương án tái định cư
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, dự án đường vành đai phía Tây là công trình trọng điểm của thành phố. Thành ủy đã thành lập Tổ theo dõi để nắm sát sao và kịp thời có những chỉ đạo đối với dự án này.
Theo ông Hiển, chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết để có lộ trình triển khai dự án, giải quyết những khó khăn, vấn đề phát sinh. Đối với giải phóng mặt bằng, các địa phương tập trung giải quyết bố trí tái định cư, nhanh, chất lượng, đảm bảo pháp luật, từ thời gian thông báo đến khi thu hồi đất phải có sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường phải được thực hiện cùng ngày.
Bên cạnh đó, do ngân sách của thành phố có giới hạn nên khi quyết định bồi thường, các địa phương phải tính toán, không để đã có quyết định bồi thường rồi mà tiền chưa có, không phê duyệt đại trà mà ưu tiên chi bồi thường ở những vị trí cần mặt bằng để thi công trước.
Về việc bố trí tái định cư, ông Dương Tấn Hiển cho biết, hoàn toàn có thể tổ chức bốc thăm giao nền cho người dân trước khi có quyết định, chứ không vì chưa có quyết định mà chần chừ.
“Người dân nào cần tái định cư thì xem xét giao trước, bây giờ địa phương nào cũng có khu tái định cư. Vừa qua những người dân nhận nền tái định cư chỉ có 30% là xây nhà, số còn lại là bán nền. Do đó chúng ta có thể đẩy mạnh phương án tái định cư phân tán.
Ngoài ra, hai quận Ninh Kiều, Cái Răng có thể tính thêm phương án xây chung cư tái định cư và có như vậy mới đủ bố trí. Chúng ta phải thực hiện đồng thời cả 3 phương án này”, ông Hiển nói và cho biết phương án tái định cư phân tán (hỗ trợ thêm tiền để người dân mua nền nhà nơi khác) sẽ giúp thành phố giảm áp lực trong xây dựng các khu tái định cư.
Về việc di dời hạ tầng kỹ thuật, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, đây là việc khá khó khăn vì theo nguyên tắc muốn di dời điện, nước thì phải có mặt bằng để thi công hệ thống mới thì mới cắt điện, nước cũ được. Sắp tới, UBND thành phố sẽ họp với các sở, ngành, địa phương để có hướng giải quyết vấn đề này.
Theo Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ, hiện đã có hồ sơ của 3 địa phương là Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn chuyển về Sở Giao thông Vận tải và đang chờ xem xét thống nhất phương án di dời. Trước đây, do bàn giao giữa các đơn vị với nhau nên hồ sơ pháp lý thất lạc, một số công trình mới còn nhưng công trình cũ thì mất.
Do đó, Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ đề nghị các đơn vị hỗ trợ thống nhất các phương án bồi thường để công ty sớm có phương án di dời, giao mặt bằng cho đơn vị thi công./.
Tác giả: Thanh Liêm
Nguồn tin: bnews.vn