Tin địa phương

Đầu tư cho ngành Thủy sản thụt lùi nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng

Sáng 26/10, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.

Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng còn nhiều bấp bênh.

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1434/QĐ-TTg ngày 22/9/2017, là khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành Thủy sản, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm đạt 6,0%. Tổng sản lượng thủy sản đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt từ 8 đến 9 tỷ USD. Chủ động sản xuất trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra là giống sạch bệnh. 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương (GlobalGAP, ASC. BAP). Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 350.000 tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm khoảng 15.000 tàu. Tàu cá khai thác vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường. Bảo đảm hoạt động của lực lượng kiểm ngư thực hiện các nhiệm vụ thực thi pháp luật về thủy sản.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kết quả thực hiện tốc độ tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6%, đạt mức chỉ theo theo kế hoạch (6,0%); Tổng sản lượng thủy sản năm 2019, đạt 8,15 triệu tấn (trong đó: sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,77 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn), dự kiến năm 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu Chương trình đề ra (đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn); giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD, kế hoạch năm 2020 là 10 tỷ USD, vượt mức chỉ tiêu Chương trình đề ra (đạt từ 8 đến 9 tỷ USD) nhưng có khả năng đạt 9 tỷ USD. Đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước đối với giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra là giống sạch bệnh; Các vùng nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương (GlobalGAP, ASC. BAP).

Về hạ tầng khai thác thủy sản: Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352.000 tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm khoảng 24.900 tàu, vượt mức chỉ tiêu Chương trình đề ra (Công suất cảng cá tăng thêm 350.000 tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm khoảng 15.000 tàu)…

Theo báo cáo Sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Vụ Kế hoạch Tài chính – Tổng cục Thủy sản cho biết: Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ (Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình là 9.656 tỷ đồng) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1434/QĐ-TTg ngày 22/9/2017 (Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình là 4.300 tỷ đồng).

Tổng kinh phí từ Ngân sách Trung ương đã bố trí thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 là 4.370 tỷ đồng. Tuy đạt được mức được duyệt theo Quyết định số 1434/QĐ-TTg nhưng mới đáp ứng khoảng 33% nhu cầu theo quy hoạch được duyệt, chỉ bằng 84% giai đoạn 2011 - 2015 (5.247 tỷ đồng), chưa đáp ứng được mức quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản với mức đầu tư trung bình hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 tối thiểu gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Như vậy, so với kế hoạch và so với 5 năm trước (2011 - 2015) đầu tư cho kinh tế thủy sản bị thụt lùi.

Tuy nguồn từ Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều hạn chế nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ, ngành và địa phương đã quam tâm, thu hút, kêu gọi, huy động thêm các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, doanh nghiệp và nhân dân tham gia đầu tư hạ tầng ngành Thủy sản với tổng nguồn kinh phí khoảng 10.330 tỷ đồng. Qua đó, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình đã đề ra, đưa ngành Thủy sản là một trong những ngành chủ lực phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản vẫn còn nhiều tàu nhỏ đánh bắt gần bờ.

Nguồn vốn này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng 30 dự án, bao gồm: 15 dự án cảng cá, công suất tăng thêm 2.090 lượt tàu cập cảng/ngày; lượng thủy sản qua cảng đạt 295.000 tấn/năm; Khu neo đậu tránh trú bão 06 dự án, công suất tăng thêm 4.400 tàu neo đậu khi có gió bão; Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung: 05 dự án, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thêm 8.377 ha; Vùng sản xuất giống thủy sản 02 dự án, công suất sản xuất cung cấp cho thị trường 1,5 tỷ giống nhuyễn thể sạch bệnh, 6 - 7 tỷ tôm giống sạch bệnh; 02 dự án, tăng cường năng lực trong việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long và quan trắc cảnh báo môi trường phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc.

Đồng thời, các tỉnh, thành đã đầu tư xây dựng hoàn thành 118 dự án, bao gồm 13 cảng cá, 50 dự án khu neo đậu tránh trú báo, 89 dự án nuôi trồng thủy sản tập trung tăng thêm 29.130ha và 18 dự án sản xuất giống thủy sản cung cấp cho thị trường hơn 1,56 tỷ con giống/năm.

Tại hội nghị, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đưa ra dự thảo “Xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là: Đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 30% GDP khối nông – lâm - ngư nghiệp; Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 10 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25 - 30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 70 - 75%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18 - 20 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động; Thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung của lao động cả nước; 100% các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành sản xuất hàng hóa lớn có trình độ quản lý, khoa học công nghệ hiện đại, tuân thủ các định chế quốc tế, phát triển có trách nhiệm và bền vững; giải quyết việc làm cho 3 triệu lao động, có thu nhập bằng mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm chế biến thủy sản chất lượng cao khu vực Asean và châu Á, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Đại diện các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của cả nước, chiếm 72% diện tích và 70% sản lượng, cho rằng trong thời gian qua đầu tư hạ tầng cho ngành Thủy sản chưa tương xứng, việc quy hoạch tàu cá trong thời gian tới phải tính số lượng cho từng tỉnh, nên có quy hoạch một số loại thủy sản nội địa có tiềm năng xuất khẩu như lươn, ếch và tôm càng xanh.

Hội nghị thủy sản.

Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - nơi có sản lượng thủy sản đạt hơn 169.915 tấn cho rằng: Ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như trình độ công nghệ, kỹ thuật hạn chế, cơ sở hạ tầng thủy sản thiếu đồng bộ. Thiếu vốn đầu tư, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao.

Cạnh tranh gay gắt trên thị trường và các chính sách bảo hộ. Do đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tái cơ cấu lại ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo hội nhập quốc tế và theo kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ quốc tế.

Tác giả: Huỳnh Biển

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP