Bạn cần biết

Dấu hiệu phân biệt bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ

Điểm khác biệt giữa bệnh đậu mùa, thủy đậu và đậu mùa khỉ là triệu chứng sưng hạch. Triệu chứng sưng hạch này do virus của đậu mùa khỉ gây ra.

Người mắc đậu mùa khỉ cần uống đủ nước - điện giải. Ảnh minh họa.

Phương án ứng phó

Tại cuộc họp khẩn bàn phương án ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ do Bộ Y tế tổ chức chiều 24/7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, đây là bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp từ giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Bên cạnh đó, hiện nay, thế giới chưa có thuốc đặc hiệu cũng như vắc-xin đặc biệt cho bệnh. Việt Nam cũng không còn dữ trự vắc-xin bệnh đậu mùa.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tập trung năng lực tăng cường giám sát và phát hiện bệnh tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành, thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản đối phó. Hiện, Việt Nam đang ở nhóm 1 chưa có ca bệnh. Vì vậy, cần lên phương án ứng phó khi nằm trong nhóm 2,3,4.

“Việt Nam chưa có ca bệnh, nhưng phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó” - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Về việc phân loại bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhóm A hay B, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Dự phòng họp với các đơn vị đề xuất sớm. Hiện, bệnh đậu mùa chung đang ở nhóm A.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.

Thứ trưởng cũng đề xuất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) hỗ trợ một lượng vắc-xin nhất định. Nhờ đó, có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại Việt Nam. Về thuốc kháng virus nếu có, Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ.

“Chúng tôi mong muốn WHO, CDC Mỹ và các tổ chức giúp Việt Nam cập nhật thông tin, tăng cường năng lực chẩn đoán. Đồng thời, phát hiện, điều trị, hỗ trợ vắc-xin để tiêm cho nhóm nguy cơ cao và ca bệnh xuất hiện tại Việt Nam, thuốc kháng virus nếu có”, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Đường lây khác Covid-19

Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan đã ghi nhận ca bệnh. 2 ca mắc tại Hàn Quốc đều là người từ vùng dịch về, chưa ghi nhận ca bệnh trong nước.

Chia sẻ về đậu mùa khỉ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh có thể chưa bùng phát thành đại dịch giống như Covid-19. Bởi, đường lây của đậu mùa khỉ khác với Covid-19.

Virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua đường hô hấp, nhưng tỷ lệ thấp hơn SARS-CoV-2. Kích thước virus gây bệnh đậu mùa khỉ lớn hơn SARS-CoV-2 nên việc di chuyển lây bệnh qua đường không khí khó hơn.

Cũng theo chuyên gia này, điểm khác biệt giữa bệnh đậu mùa, thủy đậu và đậu mùa khỉ là đậu mùa khỉ có triệu chứng sưng hạch. Triệu chứng sưng hạch này do virus của đậu mùa khỉ gây ra.

“Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ, trừ những người từng mắc bệnh này. Những người suy giảm miễn dịch như phụ nữ mang thai, người già, trẻ em, người có bệnh nền, bệnh mạn tính, bệnh HIV dễ bị nhiễm virus đậu mùa khỉ và dễ diễn biến nặng hơn. Việt Nam cũng như nhiều nước Châu Á khác cũng có nguy cơ xuất hiện căn bệnh này, vì vậy chúng ta cần tăng cường giám sát”, PGS Nga cảnh báo.

Theo ông Nga, trước đây, những trường hợp xuất hiện các triệu chứng như nổi mụn, phát ban… thường nghĩ đến bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, cần phải xem xét thêm các điều kiện dịch tễ học. Từ đó, xem có phải là bệnh đậu mùa khỉ không và báo cáo với cơ quan y tế để có những hướng dẫn cụ thể.

“Cá nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ phải tự cách ly bản thân và báo cáo với cơ sở y tế (báo cáo dịch tễ học). Không dùng chung quần áo, chăn màn, giường chiếu với các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Phụ nữ mang thai và những người sức khỏe yếu không nên tiếp xúc với người đang nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Trong khi đó, về điều trị đậu mùa khỉ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Khoa Nhi - Bệnh viện Quân Y 103 cho biết, người bệnh cần uống đủ nước - điện giải, có chế độ dinh dưỡng tốt. Cụ thể, cần tăng sức đề kháng thông qua việc bổ sung kẽm, vitamin D, Vitamin A và các men vi sinh. Người bệnh cũng nên tăng hoạt động thể chất. Với trẻ em, cần vận động ít nhất 60 phút/ngày.

Ngoài ra, việc ngủ đủ và ngủ sớm cũng giúp tăng sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch. Với trẻ nhỏ, cần được bú mẹ đủ và tăng lần. Theo bác sĩ Cường, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có thể được điều trị bội nhiễm vi khuẩn bằng kháng sinh, thuốc kháng virus Tecovirimat. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc Tecovirimat khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.

Tác giả: Vân Huyền

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP