► Đào tạo trẻ SLNA: Niềm tự hào giờ chỉ là hoài niệm (Bài 1)
Nhìn qua hình thức, cách tổ chức thì có thể thấy, sự chuyên nghiệp của “lò” Sông Lam ít nơi sánh được. Họ là CLB duy nhất hiện nay, duy trì hệ thống các tuyến từ U.10 đến U.21, chưa kể “chân rết” ở các huyện, thị. Một bộ máy có thứ tự và hoạt động rất quy củ.
Thiếu thốn về đồng tiền nhưng họ vẫn nỗ lực để không bị tụt lại quá xa. Bằng chứng là sau thất bại của năm 2015, họ đang có dấu hiệu trỗi dậy trong năm 2016. Các đội trẻ hầu như giành quyền tham dự VCK giải quốc gia, trong đó U.13 vừa thắng trận bán kết để lần thứ 4 liên tiếp góp mặt ở trận chung kết.
Trong cái khó, người Nghệ vẫn cố gắng gồng gánh để giữ thương hiệu nhưng với cơ chế và mức đầu tư như hiện tại thì về lâu về dài, rất khó để bóng đá trẻ xứ Nghệ có thể bám đuổi các “lò” đào tạo khác. Cần một hướng đi mới để trên nền tảng là sự chuyên nghiệp vốn có, bóng đá trẻ xứ Nghệ sẽ chuyển mình, lấy lại vị thế.
Bóng đá trẻ xứ Nghệ cần một "mạnh thường quân" để lấy lại vị thế.
Đầu tiên cần phải nói rằng, cách đầu tư như hiện nay của tỉnh Nghệ An có nhiều điểm chưa phù hợp. Bóng đá có những cơ chế, đặc thù riêng nên việc rút tiền ngân sách giống hệt như các ngành nghề khác gây ra những phiền hà.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tuỳ vào từng hạng mục, từng vấn đề; SLNA phải đề xuất và qua rất nhiều cơ quan ban ngành, tiền mới được rót về. Thế nên, số tiền 20 tỷ đồng/năm mà tỉnh Nghệ An đầu tư cho đào tạo trẻ, gần như không năm nào... tiêu hết. Nghịch lý đó xuất phát từ cơ chế, khi địa phương yêu cầu bóng đá tuân thủ quá nghiêm ngặt về quy chế, thủ tục…
Một tỉnh nghèo như Nghệ An, việc đầu tư 20-25 tỷ đồng/năm cho bóng đá trẻ là sự nỗ lực lớn nhưng đã đến lúc, cần 1 cơ chế về hành chính thông thoảng hơn đối với bóng đá. Có như vậy, bóng đá trẻ Nghệ An mới dễ dàng hoà nhập hơn với cơ chế chuyên nghiệp được.
Nhưng giải pháp đó cũng chỉ có thể giải quyết những tồn tại trước mắt. Về lâu về dài, bóng đá trẻ xứ Nghệ cũng cần phải được doanh nghiệp hoá. Nếu không là NH Bắc Á thì cũng phải là một “mạnh thường quân” nào đó.
Khi được đầu tư nhiều hơn về tiền bạc, SLNA sẽ không để các đối thủ có cơ hội về tận địa phương mình lấy quân. Và có tiền, đời sống, cơ sở vật chất được đầu tư, khi ấy mới hy vọng tạo ra động lực.
Một học viện bóng đá là giấc mơ bao đời nay của người Nghệ và chỉ khi có doanh nghiệp nhảy vào, điều đó mới hy vọng trở thành hiện thực.
Trên cái nền hiện tại, chỉ cần được đầu tư thêm về tiền bạc, “lò” Sông Lam sẽ không khó để lấy lại vị thế.
Kỳ 4: Sân Vinh - Nỗi buồn ngày "thay áo mới".
Tác giả bài viết: Lâm Vũ