Xã hội

Dân không ngại đối diện sự thật

Dư luận gần đây đã quá bức xúc trước sự giải thích theo kiểu né tránh, đổ lỗi cho cấp dưới của nhiều vị lãnh đạo.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái xin lỗi ông Huỳnh Tấn Vinh và công luận - Ảnh: Nam Trần

Ngay khi vị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trả lời báo chí, nhận khuyết điểm đã có “sai sót từ ngữ” trong văn bản yêu cầu xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) vì những phát ngôn trong cuộc tọa đàm về Sơn Trà, dư luận gần như lên “cơn sốt” vì một lần nữa sai lầm của lãnh đạo được đẩy về tuyến dưới cho các cơ quan tham mưu chịu trách nhiệm.

Thiếu điều là lại đổ cho nhân viên đánh máy. Văn bản tiếng Việt chứ có phải tiếng Tây, tiếng Tàu đâu mà không hiểu, phải đổ thừa cho câu chữ một cách léo lắt thế hả anh Tổng cục trưởng?!, một facebooker nổi tiếng bình luận.

Lý do thu hồi theo Thứ trưởng Ái giải thích là, “Tổng cục Du lịch đề nghị tôi ký gấp một văn bản về vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Khi xem xong, tôi không đồng ý, nhưng tổng cục nói việc này do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo. Trước khi ký vào văn bản, tôi đã sửa nội dung cho nhẹ nhàng đi so với ban đầu rất nhiều.

Tuy nhiên, khi văn bản xuất hiện trên mạng, tôi nhận điện thoại của Phó Thủ tướng cho biết không chỉ đạo việc này. Tôi đã xin ý kiến Bộ trưởng để ra quyết định thu hồi văn bản kể trên”.

Thực ra văn bản mà đích thân ông tổng cục trưởng phải đứng ra giải trình trước đó đã trở thành một vụ tai tiếng đáng xấu hổ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khi Thứ trưởng Bộ này, ông Huỳnh Vĩnh Ái đã ký bừa để rồi phải thu hồi chỉ sau 2 ngày phát hành. Một tốc độ kỷ lục khi văn bản có dấu đỏ còn chưa kịp đến tay đối tượng bị yêu cầu xử lý.

Bình luận về lý do thu hồi văn bản có một không hai này, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản pháp luật Lê Hồng Sơn không ngại nói thẳng: “Đã ký rồi thì đừng đổ lỗi cho tham mưu”. Cũng từ sự việc này, ông Sơn nhắc lại vụ lùm xùm “cấp phép quốc ca” của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương.

“Để sai như thế là điều không chấp nhận được ở một Bộ quản lý ngành toàn quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần xem lại toàn bộ cơ chế, phương thức, nhân sự ở đây cho đáp ứng nhu cầu”, ông Sơn đề xuất.

Thực ra, vấn đề ông Sơn nêu ra không chỉ khu biệt ở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Rõ ràng, trình độ quản lý và nhận thức về trách nhiệm cá nhân của nhiều vị trí lãnh đạo đang rất có vấn đề và cần phải có sự thay đổi quyết liệt.

Người ta cho rằng, không ít sự cố xảy ra do nhiều quan chức chưa có hiểu biết đúng đắn về sức mạnh của truyền thông cũng như thiếu kỹ năng phát biểu trước đám đông, báo chí. Và đám đông ngoài kia, dường như chỉ chờ bất kỳ sai sót của ai đó là đẩy cho người ta ngã ngựa. Mà báo chí ngày nay sẵn sàng giật tít câu view, cắt gọt câu chữ, thiếu khách quan, thậm chí thiếu đạo đức.

Lời chỉ trích báo chí ở một chừng mực nào đó có lý do của nó và nhiều vị lãnh đạo các cơ quan thì đã hình thành thói quen dùng xảo ngữ, ngụy biện để né tránh sự thật. Không phải tự nhiên mà gần đây, dân gian hay nói “gạt tay trúng mặt” thay cho “hành hung”; cứ “chặt cây” thì người ta nói là “di dời” và cái gì "cấm" thì đổi thành “hạn chế”.

Nhưng lạm dụng quá thường có tác dụng ngược. Hình thức không bằng thực chất, xảo ngữ không bằng thẳng thắn.

Thái độ bao biện của những người đứng đầu khi phải đối mặt với những sự cố thuộc trách nhiệm của ngành mình; cách xử lý xuê xoa, các án kỷ luật mang tính hình thức, đổ lỗi cho cấp dưới chỉ khiến người dân suy giảm niềm tin.

Vì thế, ngay giữa những ngày Hà Nội như chảo lửa, nóng 41 độ C, người viết bài này trân trọng sự thẳng thắn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khi bị chất vấn việc chặt 1.300 cây xanh. Ông Hải nói, chặt cây ai cũng tiếc nhưng quá trình phát triển buộc phải làm nếu không có phương án nào tốt hơn. Và phải chứng minh được điều đó.

Thực ra, thì người dân không ngại đối diện sự thật, dù nó xót xa, miễn là họ đủ niềm tin vào sự thật đó.

Tác giả: Nguyễn Nga

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP