Tin địa phương

Đảm bảo cơ cấu tín dụng hợp lý

Năm 2018, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ ước tăng 14,7% so với cuối năm 2017.

Mức tăng này theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ là phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế thành phố và cao hơn mức bình quân chung của cả nước, một số tỉnh vùng ĐBSCL. Chất lượng tín dụng cũng được nâng lên rõ rệt, các tổ chức tín dụng (TCTD) đều chú trọng cho vay vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Vốn đi vào sản xuất

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Ngay từ đầu năm 2018, chi nhánh đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD về tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý, không tăng bằng mọi cách và đưa tín dụng đi vào sản xuất. Đồng thời không khuyến khích tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất như: tiêu dùng, kinh doanh chứng khoán, bất động sản… Tính đến ngày 30-11, tăng trưởng tín dụng thành phố tăng gần 13,99% so với đầu năm, cao hơn so với mức tăng trung bình toàn quốc và một số tỉnh ĐBSCL”. Trong 11 tháng, quy mô tín dụng trên địa bàn đạt gần 77.000 tỉ đồng (không kể tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam), ước đến hết tháng 12-2018, tổng dư nợ cho vay đạt 77.500 tỉ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2017; nợ xấu chiếm 1,94% tổng dư nợ cho vay (khoảng 1.500 tỉ đồng).

Nông nghiệp

Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được ưu tiên vốn tín dụng (sản xuất rau thủy canh tại Cần Thơ Farm). Ảnh: GIA BẢO

Theo chỉ đạo của NHNN, các TCTD trên địa bàn đều quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể ước đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 26.800 tỉ đồng, tăng 7,55% so với cuối năm 2017; dư nợ cho vay xuất khẩu 1.700 tỉ đồng, tăng 20,06%; dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa 18.500 tỉ đồng, tăng 17,83%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ 100 tỉ đồng tăng 4,17% so với cuối năm 2017. Ngoài ra, tín dụng chính sách cũng có mức tăng 9,49% so với cuối năm 2017, với dư nợ đạt 2.226 tỉ đồng đã hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, sinh viên, học sinh… có điều kiện sản xuất và học tập.

Các chương trình tín dụng khác có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn cũng có dư nợ tăng khá cao so với cuối năm 2017. Đơn cử như dư nợ cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản ước đến cuối năm 2018 đạt 7.500 tỉ đồng, tăng 33,76%; dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo 7.900 tỉ đồng, tăng 18,81% so với cuối năm 2017. Theo ông Trần Quốc Hà, Chi nhánh đã triển khai đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn và các ngân hàng thực hiện rất tốt vấn đề cho vay đối với nông nghiệp nông thôn và các lĩnh vực có liên quan đến ngành nông nghiệp. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thành phố chỉ khoảng 8,21% nhưng dư nợ cho vay nông nghiệp, liên quan đến nông nghiệp khá cao.

Mặt bằng lãi suất cho vay năm 2018 ổn định và có xu hướng giảm nhẹ so với trước. Thống kê của NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6,5%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn 7%-9%/năm; trung dài hạn 9%-11%. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 1-1-2018) của Chính phủ và định hướng của NHNN, nhiều ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6%/năm.

Nỗ lực ổn định trong năm mới

Trên thực tế, quy mô tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với quy mô nền kinh tế của thành phố. Các ngân hàng phải điều chuyển vốn từ hội sở về, do nguồn vốn huy động tại chỗ chưa đáp ứng đủ cho đầu tư phát triển của thành phố. Ước huy động vốn cả năm 2018 đạt 72.000 tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2017 và đáp ứng 92,9% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ cho biết: “Các ngân hàng triển khai rất quyết liệt các giải pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư nhưng mức tăng trưởng không cao”. Trong tổng vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm năm 2018 khoảng 48.200 tỉ đồng, tăng 9,96% so với cuối năm 2017. Để thực hiện hiệu quả việc huy động vốn trong dân cư trong năm mới thì ngoài chính sách lãi suất, còn phải tăng niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng.

Theo ông Trần Quốc Hà, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 không thay đổi nhiều so với năm 2018. Định hướng của NHNN chi nhánh TP Cần Thơ năm 2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 14-16% phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế mà thành phố đặt ra trong năm mới. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, nhiều lo ngại lãi suất đầu ra sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp và người dân trong năm mới. Một số ngân hàng đang tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài, nhưng kỳ hạn ngắn hầu như không thay đổi (kỳ hạn dưới 6 tháng). Lãi suất huy động tăng ở kỳ hạn dài (trên 12 tháng) dao động 0,2-0,4%/năm so với trước; kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng không đổi, do NHNN quy định huy động kỳ hạn dưới 6 tháng không được tăng quá mức 5,5%/năm.

Ông Trần Quốc Hà cho biết, có nhiều nguyên nhân tăng lãi suất là do nhu cầu vốn cuối năm của DN, tổ chức và cá nhân lớn, ngân hàng buộc tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu vốn này. Vấn đề khác là NHNN quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng) để cho vay trung và dài hạn năm 2018 là 45% đến năm 2019 giảm xuống còn 40% (Thông tư 16/2018/TT-NHNN, để đảm bảo hệ số an toàn và định hướng của NHNN là năm 2020 các ngân hàng phải đạt tiêu chuẩn Basel II, đồng thời đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đảm bảo chỉ số an toàn theo thông lệ quốc tế sử dụng khi vốn cấp 2 (vốn huy động của dân cư, khách hàng) cho hoạt động cho vay của ngân hàng... Dù vậy, hiện tại lãi suất cho vay đầu ra vẫn ổn định và không tăng đột biến. Bởi ngành ngân hàng chỉ đạo quyết liệt nếu dự trữ bắt buộc và tiết giảm chi phí từ cải cách hành chính, tăng hoạt động dịch vụ… để bù đắp các khoản khi tăng lãi suất huy động.

Thêm vào đó, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm mới như bổ sung đối tượng cho vay và nâng hạn mức cho vay đến 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn. Theo ông Trần Quốc Hà, xu thế phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Ngành ngân hàng cũng đang phối hợp với các ngành liên quan để gỡ khó trong thẩm định giá tài sản nông nghiệp công nghệ cao như: nhà xưởng, nhà lưới, giá đỡ… nhằm tạo sự thống nhất để giảm áp lực vốn cho nông dân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời thúc đẩy tăng tín dụng nông nghiệp nông thôn.


Tác giả: GIA BẢO

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP