Một số dự án đầu tư tiện ích nhưng khách hàng cũng cần chú ý khi mua. |
Khu vực phía Nam (quận Cẩm Lệ) chưa kịp “hạ nhiệt”, khu vực phía Tây Bắc Đà Nẵng (quận Liên Chiểu) lại thay thế “nóng” dần lên, đẩy giá đất liên tục tăng. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ hình thành những khu đô thị không có người ở hoặc người mua rơi vào bẫy của “chiếc bánh vẽ”…
Nơi đón đầu tăng giá…
Đầu năm 2017, Cty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) đưa ra phương án đầu tư 5.581 tỷ đồng cho giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu và được lãnh đạo thành phố cơ bản thống nhất. Theo đó, giai đoạn 1 bao gồm xây 1 bến hàng tổng hợp và 1 bến container, sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Cùng với cảng Liên Chiểu, theo quy hoạch, đến giai đoạn 2020-2022, khu vực Liên Chiểu sẽ hoàn thành một số dự án hạ tầng trọng điểm.
Cụ thể, hầm Hải Vân hiện đang triển khai tuyến hầm số 2 trong tương lai tăng khả năng vận tải qua hầm Hải Vân; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ đưa vào hoạt động năm 2018, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các DN trong các KCN Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi vận chuyển hàng hóa. Đáng chú ý, Dự án ga hàng hóa Kim Liên mới sẽ được xây dựng hơn 80ha, nằm trong tổng thể dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng với tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng.
Những “cú hích” nhằm đẩy mạnh và phát triển khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, đã khiến cho nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) tại quận Liên Chiểu và những khu giáp ranh có tâm lý “đi trước đón đầu”. Không chỉ cá nhân nhỏ lẻ săn đất, các DN, tập đoàn lớn cũng ồ ạt đổ bộ về đây tham gia.
Một nhà môi giới BĐS khu vực này chia sẻ, trước đây, trung bình mỗi lô giao dịch chỉ khoảng 150 - 170 triệu đồng nhưng suốt thời gian dài không ai mua. Thế nhưng, cuối năm 2016, đầu năm 2017, giao dịch đất đai lại tiến hành nhanh chóng, lượng cầu nhiều thấy rõ và giá cũng đã đội lên gấp đôi.
Anh Lê Văn Quân (Đà Nẵng), nhà đầu tư nhỏ lẻ thông tin thêm, anh mua 2 lô đất tại Hoà Liên 5 (quận Liên Chiểu) với giá 300 triệu đồng/lô vào đầu năm 2016. Sau đó vài ngày, thông tin về Dự án giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu và xây dựng ga hàng hóa Kim Liên lộ ra, hiện hai lô đất của anh đã được trả chênh lệch gần 200 triệu đồng.
Nhiều vị trí như dự án Golden Hills hoặc khu vực nằm trên đường Nguyễn Tất Thành giá đất cũng đang tăng. Thậm chí, qua đánh giá của nhiều người, giá đất đã lên gấp đôi trong vòng 1 năm qua.
… nơi nhanh chóng “hạ nhiệt”!
Trong khi đó, khu vực phía Nam (quận Cẩm Lệ), nơi chỉ vài tháng trước được đánh giá có môi trường thu hút giới đầu tư trong lĩnh vực BĐS với hàng trăm lượt xem đất mỗi ngày thì nay đìu hiu thấy rõ.
Một chủ ki ốt đang hoạt động cầm chừng tại Cẩm Lệ bộc bạch, chỉ qua vài tháng đầu năm 2017, cảnh mua bán đất lại đảo chiều, khác hẳn không khí nhộn nhịp cuối năm. “Mặc dù giá giảm xuống 20% so với thời kỳ nóng sốt, song giao dịch trên thị trường vẫn rất trì trệ. Cả tháng may ra được một hợp đồng. Đã vậy, người mua một mà người bán lại cả trăm. Thị trường đã khó càng thêm khó...”, người này nói.
Điều đáng nói, với những nhà đầu tư có kinh nghiệm đều dễ dàng nhận thấy, “cơn sốt” giá đất nền thời gian qua chủ yếu do giới đầu tư mua đi bán lại với nhau. Những người có nhu cầu thực mua đất nền để xây nhà ở không nhiều và họ cũng giao dịch thận trọng hơn giới đầu cơ. Nhưng vì giao dịch do giới đầu tư chi phối và khi giá đất nền bị đẩy lên quá cao nằm ngoài khả năng chi trả của những người có nhu cầu thực. Hơn nữa, họ chỉ chú ý bán đến nền mà không đầu tư tiện ích nên những dự án này không thu hút được người mua nhà đến xây nhà ở.
Vì lo sợ thị trường đứng trước nguy cơ “sập giá” đất nền, nhiều chủ đầu tư chú trọng đến các hạng mục tiện ích có môi trường sinh thái thân thiện, thiết kế hiện đại, khác biệt. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Trung xu hướng này sẽ hỗ trợ thị trường phát triển bền vững hơn, chứ không thể cứ “ăn theo cơn sốt” đất nền mà bán càng nhanh càng tốt để kiếm lời được nữa…
Cẩn thận chiếc “bánh vẽ”!
Trong khi đó, theo ông Thành, khách hàng cũng cần lưu ý để tránh “bánh vẽ” do chủ đầu tư đưa ra. Bởi trên thực tế, tại Đà Nẵng cũng có không ít những dự án mà chủ đầu tư “nói một đằng, làm một nẻo”.
Đơn cử dự án The Summit do Meridian Property làm chủ đầu tư. Với thông tin đưa ra, khu căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp độc đáo mang tiện ích đẳng cấp của khu resort với 356 căn hộ, các tiện ích bể bơi, sân vườn trên tầng thượng, café The Rooftop... Tuy nhiên, trái ngược với mức độ “hoành tráng” trên giấy, hiện tại, dự án mới xây dựng phần thô rồi nằm bất động, cỏ mọc nham nhở, tường gạch rêu phủ, phơi mưa, phơi nắng suốt nhiều năm qua.
Cũng có những dự án khu đô thị “vẽ” ra rất nhiều tiện ích hoành tráng nhưng vài năm trôi qua vẫn chỉ là những lô đất nền lác đác vài nhà dân xây dựng.
Nhận định riêng về “cơn sốt” đất đang hình thành tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng hiện nay, các chuyên gia BĐS khẳng định, làn sóng đầu tư địa ốc “ăn theo” các siêu dự án nghìn tỷ đã trở thành quy luật.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro cho giới đầu tư, các chuyên gia khuyến cáo, trước bối cảnh “tranh tối, tranh sáng” hiện nay, khách hàng cần lưu ý nên lựa chọn sản phẩm của những công ty BĐS uy tín. Phải hiểu rõ DN nào có thiện chí phát triển dự án chất lượng, chứng minh được tài chính vững mạnh, sẵn sàng cung cấp pháp lý rõ ràng, minh bạch mới đầu tư.
Một thực tế mà người cũng cần lưu ý đến là một số chủ đầu tư chỉ phân lô bán nền, không đầu tư hệ thống và hạ tầng tiện ích phục vụ cuộc sống, nên dự án chỉ sốt khi thị trường có “sóng”. Khi “cơn sóng” qua đi, thanh khoản sụt giảm, thậm chí “đóng băng” vì hầu như không có ai muốn mua nhà để ở trong khu vực không có tiện ích. Nên quan sát khu vực mà chỉ lác đác vài nhà dân xây dựng để rút kinh nghiệm.
Về đầu tư tiện ích đang chứng tỏ thị trường đã thật sự đi vào nhu cầu thực và người mua nhà đã thật sự ở vị thế trung tâm. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần biết và lựa chọn sản phẩm của những công ty BĐS uy tín, tài chính vững mạnh, bởi lẽ cũng có trường hợp “đánh trống bỏ dùi” hoặc “thùng rỗng kêu to”.
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam