Tin địa phương

Cứu sống bệnh nhân bị hoại tử đại tràng, suy tim, suy thận

Chiều 5.3, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa mổ cứu sống một bệnh nhân bị hoại tử đại tràng rất nặng kèm theo nhiều bệnh lý hiểm nghèo như suy tim độ 3, viêm phổi, suy thận.

BSCK2 Trương Thanh Sơn, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ dặn dò người nhà cách chăm sóc bệnh nhân L.T.M
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Bệnh nhân là ông L.T.M (65 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) được Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long chuyển tuyến sang Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch do nhiễm trùng nhiễm độc, được chẩn đoán là viêm phúc mạc toàn thể.

Bệnh nhân đau quằn quại khắp bụng, ống thông dạ dày ra dịch, bụng trướng căng, khối thoát vị vùng thượng vị kích thước 15 x 20 cm. Bệnh nhân đã từng mổ cắt đại tràng 9 tháng trước đó tại Vĩnh Long.

Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc toàn thể do hoại tử đại tràng sigma, thoát vị thành bụng, rối loạn đông máu, suy tim độ 3, tăng áp lực động mạch phổi, suy thận… nguy cơ biến chứng gây tử vong trong và sau mổ rất lớn.

Sau hội chẩn khẩn, ê kíp BSCK2 Trương Thanh Sơn, Khoa Ngoại tổng quát, cùng bác sĩ gây mê đã hồi sức tích cực, truyền huyết tương tươi đông lạnh nhanh chóng chỉ định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã cắt đoạn đại tràng sigma hoại tử, đóng đầu dưới đưa đầu trên ra làm hậu môn nhân tạo.

“Tuy nhiên, vấn đề lớn là bệnh nhân có khối thoát vị to 15 x 20cm và mất nhiều cân cơ thành bụng, không thể tái tạo lại cấu trúc thành bụng, thêm vào đó bụng bệnh nhân trướng căng các quai ruột non viêm phù nề không đóng bụng được (không thể may đóng vết mổ bụng lại - PV). Trước tình hình đó, ê kip mổ đã dùng túi câu dạ dày để che lại các tạng và ruột non. Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ và chọn giải pháp tạm thời này để cứu sống bệnh nhân trước”, BS Sơn, trưởng kíp mổ, cho biết.

Bác sĩ Sơn phân tích thêm, bụng bệnh nhân trướng rất căng nếu đóng bụng đơn thuần sẽ gây hội chứng tăng áp lực ổ bụng, chèn ép cơ hoành buộc phải thở máy kéo dài dễ gây viêm phổi và có thể tử vong thêm vào đó bệnh nhân bị thoát vị thành bụng, các cân cơ bị nhão, ổ bụng nhiễm không thể đặt lưới để phục hồi lại thành bụng.

Sau ca phẫu thuật trên, đến khi bệnh nhân dần phục hồi, ngưng thở máy, ruột có nhu động lại, ổ bụng sạch, bụng bớt trướng. Các bác sĩ đã tiếp tục hội chẩn để phẩu thuật lần 2, loại bỏ túi câu, phục hồi thành bụng.

Hiện tại, sau 2 ca phẫu thuật, bệnh nhân đã bình phục, ăn uống, đi lại bình thường và xuất viện ngay chiều cùng ngày.

Tác giả: Đình Tuyển

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP