Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng được cho là người đã một mình chống tiêu cực trong suốt nhiều năm qua. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Trọng tài một lần nữa là vấn đề nổi cộm của V-League 2016 khi hàng loạt sai lầm và tranh cãi cùng vô số quyết định khó hiểu đã xuất hiện. Bức tranh trọng tài mùa này tiếp tục phủ bóng đen và làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt Nam. Để vén bức màn ấy, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Dương Mạnh Hùng - Còi Vàng đầu tiên (2006), người đã nhiều năm một mình chống tiêu cực.
- Là một người đã nhiều năm theo dõi giới cầm còi, ông có bất ngờ với những sai lầm của trọng tài ở V-League 2016?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Với tôi, điều đó không có gì ngạc nhiên. Tôi cho rằng điều đó rất bình thường vì năm nào họ chả sai. Đã quá lâu rồi người ta không thay đổi, người ta không có nhìn thẳng vào sự thật bóng đá Việt Nam. Những cái sai của trọng tài chỉ là phần ngọn thôi. Muốn thay đổi cái sai đó phải là những người quản lý, ban tổ chức giải và lãnh đạo Liên đoàn.
- Rất nhiều sai lầm của trọng tài đến trong dịp EURO. Ông có nghĩ đó là sự tình cờ?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Đây có thể là sự trùng hợp nhưng cũng có thể là một ý đồ. Khi tất cả mọi người dồn sự chú ý vào EURO, đó cũng là cơ hội cho một số trọng tài làm bậy làm bạ. Cái sai của trọng tài rõ ràng rồi, trọng tài phải chịu trách nhiệm. Nhưng quan trọng hơn, có những cái sai không thể chấp nhận được và rất ngớ ngẩn.
Như ở trận FLC Thanh Hóa với Sông Lam Nghệ An trong dịp EURO (vòng 9), trọng tài thổi cho Thanh Hóa một quả phạt đền mà người trong nghề sẽ cảm thấy rất khó hiểu, vô cùng tùy tiện về mặt luật. Nhưng lúc đó, tất cả đang tập trung vào EURO nên một số trận đấu trong khuôn khổ V-League có nhiều sai sót ngớ ngẩn mà mọi người chẳng quan tâm.
Trận Hà Nội T&T - Hải Phòng trong dịp EURO vừa qua gây tranh cãi với một bàn thắng rõ ràng bị từ chối. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
- Nhiều nguồn tin bên lề nói rằng trọng tài dính trò “đỏ đen” trong dịp EURO nên phải tìm cách gỡ vốn. Là người trong nghề, ông nghĩ sao về giả thuyết này?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Tôi quá biết chứ. Trọng tài chơi đỏ đen, đánh bài là chuyện quá bình thường. 80-90 % trọng tài làm nhiệm vụ đều đánh bài ăn tiền. Một số trọng tài còn cá độ bóng đá quốc tế. Họ cũng tránh không khỏi chuyện cờ bạc, lô đề trong cuộc sống. Tôi khẳng định giới trọng tài có chuyện này.
Không chỉ vậy, cả một số giám sát, một số thành viên ban tổ chức giải và cả lãnh đạo Liên đoàn cũng dính chuyện này. Nếu ai không tin, tôi có thể nói thẳng tên ra. Nhiều người có chơi, có đánh bài và cờ bạc ngoài xã hội.
"Ngày xưa, trọng tài sai với số ít"
- Thời ông còn cầm còi, trọng tài có gây nhiều tranh cãi như bây giờ không?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Thời tôi còn làm, trọng tài cũng sai, cũng tiêu cực nhưng cái sai ngày xưa nó không ngớ ngẩn, không khó chấp nhận như bây giờ. Cái sai thời đó là số ít và chắc chỉ một hai trọng tài dám làm chứ không sai một cách thường xuyên, sai tới mức không chấp nhận nổi, sai tới nỗi thẻ đỏ thẻ vàng, bàn thắng, không bàn thắng lung tung như bây giờ. Ngày xưa, trọng tài sai với số ít. Còn bây giờ, cái sai của trọng tài là số nhiều và rất tùy tiện.
- Vậy còn cá nhân ông thì sao, ông đã bao giờ bị người ta dụ dỗ chưa? Ông có thể chia sẻ điều đó với VietnamPlus?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Trong cuộc chơi 10 năm làm trọng tài, tôi đã bắt 200 trận đấu. Ngay từ những buổi đầu tiên, tôi đã được người ta cảm ơn bằng tiền, bằng phong bì. Khi đi làm nhiệm vụ, tổ chúng tôi có bốn trọng tài thì họ đưa bốn phong bì. Họ bảo tôi rằng các trọng tài khác cầm hết rồi đấy, anh cầm nốt đi. Tôi nói rằng tôi không cầm, tôi cảm ơn, tôi không tham gia chuyện này đâu.
Có những trận đấu, người ta đặt thẳng vấn đề rằng “em thổi giúp anh đi, em sẽ có vài ba chục triệu”. Thậm chí, có những trận lên tới vài trăm triệu. Ngay cả khi tôi ra tới sân bay, cầu thủ vô tình đi với tôi trên sân bay. Gặp tôi, cậu ấy còn nói thẳng “đội của em được anh thổi hôm nay, đội em thắng, lãnh đạo của em công bố rằng đã trích tiền để cảm ơn trọng tài. Thế anh đã nhận tiền ấy chưa?”
Ông Hùng từng nhiều lần gửi tâm thư, gặp mặt các lãnh đạo nghành thể thao nhưng không thay đổi được gì. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
"Chuyên môn kém đi, tiêu cực nhiều hơn"
- Nhiều trọng tài bị mua chuộc thế nhưng vẫn phải có những trọng tài liêm khiết chứ? Số phận của họ như thế nào?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Các đội bóng hoặc một số mối quan hệ đưa tiền cho trọng tài là điều bình thường nhưng cách cư xử của từng trọng tài là khác nhau. Trọng tài mà từ chối nhiều quá thì sẽ bị cô lập. Chuyện trọng tài bị cô lập cũng là điều bình thường trong giới này.
Quy chế trọng tài có ghi rõ những chuyện không được làm như không được đánh bài, không được thổi sai, không được nhận tiền của đội bóng. Điều đó ai cũng biết. Nhưng người ta biết, người ta cứ làm. Còn ai làm đúng nguyên tắc sẽ bị cô lập. Như tôi này, người ta biết rằng tôi không cầm tiền thì họ sẽ đối xử khác với tôi.
Có những trận đấu, tôi đã khuyên đồng nghiệp rằng đừng chơi như vậy, đừng nhận tiền như thế. Tôi từng khuyên các trọng tài trẻ: “Em đừng dính vào cuộc chơi đó. Đồng tiền này không xứng đáng đâu em.” Rồi những chuyện khác, tôi cũng khuyên họ. Nhưng họ có nghe đâu.
Người ta bảo trọng tài là Vua sân cỏ mà sao trọng tài Việt Nam lại để người ta chửi mình, để người ta mất niềm tin với mình. Trọng tài cư xử như thế thì người ta chửi là đúng rồi còn gì.
- Có những ý kiến cho rằng trọng tài phải làm nhiều điều khuất tất vì lý do “cơm áo gạo tiền.” Anh nghĩ sao về điều này?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Sao lại thế được? Bản thân trọng tài đi bắt đã có tiền làm nhiệm vụ rồi cơ mà. Nhưng tiền thì biết bao nhiêu cho đủ. Ngày xưa, thời tôi làm hồi năm 2006, một trọng tài một tháng đi làm liên tục thu nhập chỉ cao nhất là 3,5 triệu hoặc 4 triệu. Nhưng tới khi bầu Kiên cải cách V-League, thu nhập của trọng tài lên tới 20, 30 triệu, tăng gần gấp 10 lần. Mọi người tin rằng sẽ không còn tiêu cực nữa. Nhưng thực chất, đến giờ phút này, trọng tài chuyên môn kém đi, tiêu cực nhiều hơn và ngày càng tinh vi hơn.
Chính bởi vì trọng tài làm sai nhiều nên cầu thủ không còn tôn trọng và kính phục. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
- Như vậy, chúng ta không có cách nào để kiểm soát trọng tài trên sân ư?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Có chứ, chúng ta từng học theo quốc tế, từng gắn bộ đàm cho tổ trọng tài. Trong bộ đàm có máy ghi âm để ghi lại đối thoại giữa các trọng tài. Nhưng cuối cùng điều đó cũng có để làm gì đâu. Chúng ta gắn bộ đàm để khi hết trận, mở ghi âm, đọc dữ liệu để kiểm điểm, để giúp đỡ nhau làm trọng tài tốt. Nhưng trên thực tế, nhiều trọng tài họ tắt ghi âm, rồi khi có chuyện, họ hỏi ngược lại rằng chứng cớ ở đâu.
"Không phải trọng tài nào cũng xấu cả"
- Vậy còn các đội bóng thì sao? Họ bất lực chứng kiến chuyện này ư?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Các đội bóng bây giờ rất mong trọng tài của bóng đá Việt Nam không thể lộng quyền như thế này. Họ mong có một bộ phận, một trung tâm trọng tài khác. Họ hay hỏi tại sao chỉ dùng trọng tài của VFF mà không dùng trọng tài khác do các đội bóng lựa chọn?
Nếu có một đơn vị độc lập đứng ra cung cấp trọng tài, một đơn vị mà mọi đội bóng đều có thể “bỏ vốn” đóng góp trọng tài, một đơn vị không phụ thuộc vào Liên đoàn hay bất kỳ ai, tôi tin rằng mọi chuyện sẽ ngay lập tức khá hơn.
- Vậy còn mối quan hệ giữa các trọng tài trong một tổ thì sao? Trọng tài chính luôn được hỗ trợ bởi trọng tài biên và giám sát cơ mà?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Nhiều trọng tài trẻ từng kể với tôi. Họ nói: “Báo chí cứ chỉ trích bọn em là tại sao không chạy ra trao đổi với trợ lý. Nhưng khi em chạy ra hỏi nó, nó toàn nói ngược hoặc nói sai. Em hỏi làm sao được đây?”
Chuyện trọng tài là thế. Mỗi người một quan hệ, mỗi người một cuộc chơi cá nhân, mỗi người một phe cánh, một thế lực. Làm sao tốt cho được? Chuyên môn trọng tài kém, niềm tin của người hâm mộ kém là bởi thế. Ai cũng vì mục đích cá nhân thôi.
Trọng tài Võ Minh Trí là một trong số ít trọng tài đẳng cấp, được tôn trọng về nghề nghiệp cũng như đạo đức ở V-League. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
- Bức tranh trọng tài u ám quá. Nhưng chúng ta vẫn phải có những trọng tài tốt chứ?
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: Không phải trọng tài nào cũng xấu cả. Nhưng trong cuộc chơi này, họ muốn tồn tại thì ít nhất họ phải đứng bên cạnh một ai đó. Mà đứng bên cạnh, đi theo thì là đồng phạm rồi còn gì. Không chỉ trọng tài mà nhiều giám sát cũng muốn lên tiếng. Nhưng ai lên tiếng thì sẽ phải rời cuộc chơi. Vì thế, họ phải yên lặng và chấp nhận.
Ví dụ như trọng tài Võ Minh Trí hay Hoàng Anh Tuấn có nhiều lúc bức xúc lắm nhưng họ không dám làm gì. Đó là một vài trọng tài có vị trí và chuyên môn. Họ bức xúc lắm nhưng họ không dám đấu tranh. Họ biết nếu nói ra, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Họ nhìn tôi làm gương. Họ im lặng. Cuối cùng họ phải đi theo người ta.
Trọng tài chỉ là phần ngọn thôi, người lãnh đạo Liên đoàn, ban tổ chức mới là cái gốc. Ở trên mà nghiêm, tôi đố trọng tài dám làm ẩu, làm bậy đấy. Nhưng câu chuyện ở đây là cả một hệ thống. Trọng tài cũng là chi tiết của một bộ máy, họ phải làm đúng ý đồ của một số con người có vị trí ở Liên đoàn bóng đá, ở ban tổ chức giải và Ban trọng tài. Làm đúng như thế, họ mới tồn tại được. Những người ấy, họ cần người nghe chứ không cần người làm đúng./.
Tác giả bài viết: Minh Chiến