Hôm nay (28/8), TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) dưới sự điều hành của thẩm phán Trần Nam Hà. Tám luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 4 ngày.
Các bị cáo gồm: cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVTex Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi) bị xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ; Đỗ Văn Hồng (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC.KBC), Đào Ngọ Hoàng (40 tuổi, nguyên trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTex) và Vũ Phương Nam (39 tuổi, nguyên kế toán trưởng PVTex) bị xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng Vũ Đình Duy (nguyên tổng giám đốc PVTex) đang bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ xử lý sau.
Bốn bị cáo tại phiên tòa mở sáng 28/8. Ảnh: Việt Dũng |
Theo cơ quan điều tra, PVTex có trụ sở tại Khu công nghiệp Đình Vũ (quận Hải An, Hải Phòng). Giải quyết nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên khi nhà máy đi vào hoạt động, ngày 12/8/2009, ông Hiếu ký nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở.
Ngày 16/11/2009, ông Hiếu chỉ định Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thực hiện thi công dự án. Sau đó, theo chủ trương chung của Tập đoàn Dầu khí (PVN), PVC có công văn gửi PVTex chấp thuận để PVC.KBC thay mặt đàm phán, ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, thực hiện triển khai, thi công, tiến hành nghiệm thu, thanh quyết toán... Ngày 8/12/2010, được sự ủy quyền của ông Hiếu, Vũ Đình Duy ký quyết định phê duyệt thay đổi nhà thầu cho PVC.KBC.
Theo cáo buộc, nhà thầu không đáp ứng được mức yêu cầu tối thiểu về số năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế và thi công xây lắp công trình xây dựng (5 năm trở lên). Tuy nhiên, Duy vẫn ký văn bản, đánh giá nhà thầu đủ điều kiện trúng chỉ định thầu.
Sau đó, Duy và ông Hồng ký hợp đồng về xây dựng giai đoạn I với giá trị hợp đồng hơn 101 tỷ đồng, giai đoạn II là hơn 216 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện giai đoạn I vay của PVN và vốn chủ sở hữu của PVTex.
Theo thiết kế, dự án xây nhà chung cư, mỗi căn có hai phòng ngủ, diện tích trung bình 69m2. UBND thành phố Hải Phòng đã đồng ý cho PVTex sử dụng 5ha đất tại khu công nghiệp Đình Vũ để xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, dưới dạng nhà xã hội.
Theo cáo buộc, PVTex và nhà thầu đã tự ý điều chỉnh thiết kế, xây thành các căn hộ diện tích tối thiểu là 60m2. Dự án giai đoạn I gồm 2 block (mỗi block là 26 căn hộ liền kề, mỗi căn 4 tầng khép kín). Từ tháng 12/2010 đến tháng 2/2011, dưới chỉ đạo của Hiếu, Duy các cấp dưới Hoàng và Nam đã tạm ứng cho Hồng hơn 92 tỷ đồng.
Khi nhận tiền tạm ứng, Hồng đã không thực hiện làm các hạng mục như cam kết khiến toàn bộ dự án dừng thi công, dở dang từ năm 2012. Đến nay dự án đã xuống cấp nghiêm trọng. UBND Hải Phòng đã ban hành quyết định thu hồi đất của dự án.
Cơ quan tố tụng cáo buộc hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước của các bị cáo khiến PVTex thiệt hại hơn 19 tỷ đồng.
Nhận tiền tỷ bằng cổ phần để nâng đỡ cho đối tác
Bị cáo Trần Trung Chí Hiếu phải đối mặt với khung hình phạt lên tới án tử hình. Ảnh: Việt Dũng |
Theo cơ quan công tố, giữa năm 2010, Duy và Hồng trao đổi về việc liên kết thành lập Công ty CP PVTex Kinh Bắc (PVC.KBC) nhằm mục đích sản xuất ống cuốn sợi, thùng các-tông để bán cho PVTex. Duy và Hồng thống nhất vốn điều lệ của công ty mới này là 30 tỷ đồng. Trong đó, Hồng góp 70% cổ phần (tương ứng 21 tỷ đồng), PVTex góp 10% (3 tỷ đồng) bằng thương hiệu. 20% còn lại, Duy yêu cầu Hồng nộp cho mình và chủ tịch Hiếu (mỗi người 3 tỷ đồng).
Duy nói rằng Hồng phải nộp cho Hiếu 3 tỷ đồng vì ông này là chủ tịch; để công ty CP PVTex Kinh Bắc được thành lập phải có sự đồng ý của Hiếu. Thấy việc thành lập công ty có khả năng sinh lời cao, Hồng đã đồng ý.
Sau đó, cả Duy và Hiếu nhờ người thân đứng tên cổ phần tại Công ty CP PVTex Kinh Bắc của Hồng.
Sau khi công ty đi vào hoạt động đã được PVTex ký 5 hợp đồng mua bán các sản phẩm tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Công ty cũng được PVTex ký 62 hợp đồng bán một số lượng lớn các sản phẩm chạy thử của nhà máy xơ sợi Đình Vũ (tổng giá trị hơn 94 tỷ đồng). Tuy nhiên, do nhà máy xơ sợi sau này dừng hoạt động nên hiệu quả kinh doanh của PVTex Kinh Bắc không hiệu quả như Hồng, Duy, Hiếu mong muốn.
Nhà chức trách cho rằng hành vi của Hiếu, Duy là "nhận hối lộ", riêng Hồng do tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra nên không bị truy xét về tội "đưa hối lộ".
Ông Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu lợi dụng chức vụ
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng xác định, ngày 12/8/2009, PVC và PVC.KBC ký hợp đồng về việc thi công một số hạng mục của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Quá trình thực hiện, Hồng đề xuất và được Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT PVC) tạo điều kiện, tạm ứng cho 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Hồng không sử dụng tiền để thực hiện các công việc theo hợp đồng mà dùng 23,8 tỷ đồng mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), đứng tên chủ sở hữu PVC.KBC.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chỉ đạo Hồng làm thủ tục chuyển nhượng lại mảnh đất này cho Công ty Mai Phương của gia đình mình với giá 23,8 tỷ đồng, song chỉ trả 20,8 tỷ.
Theo cơ quan chức năng, để hợp thức hóa việc tạm ứng trên, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo làm thủ tục chuyển nhượng 21 tỷ đồng tiền tạm ứng từ PVC cho PVC.KBC thành tiền PVC góp vốn vào PVC.KBC. Hành vi của Trịnh Xuân Thành có dấu hiệu tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có vai trò của Hồng. Do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan tiếp tục xác minh.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên khu đất 3.400m2 trên cùng nhà ở, tài sản khác gắn liền trên đất. Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hủy bỏ lệnh kê biên, song có công văn đề nghị chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tạm dừng việc giao dịch, chuyển nhượng với thửa đất này.
Tác giả: Việt Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress