Cách đây dễ đến 15 năm, khi gặp nhà nghiên cứu văn hóa bản địa Nguyễn Hữu Nhàn ở Việt Trì, ông có kể cho tôi nghe về một ngôi làng rất đặc biệt ở Phú Thọ, ấy là ngôi làng toàn cao thủ... nói phét. Câu chuyện vui miệng, bỗ bã thì như vậy, chứ ý ông Nhàn, là ngôi làng đó người dân đều có khiếu hài hước, vui vẻ, kể chuyện cười như thần. Điều thú vị, người thừa hưởng khiếu hài ước của dân làng chính là nghệ sĩ Hán Văn Tình, thời điểm đó đang gây sốt với bộ phim Đất và người, vai Chu Văn Quềnh.
Nghe ông Nhàn kể chuyện ấy, thấy thú vị, nên tôi tìm về ngay.
Đến vùng Tam Nông, hỏi làng Văn Lang, thì các cụ già đều bụm miệng cười và nói: “Văn Lang cả làng nói khoác đấy hở?”. Câu “Văn Lang cả làng nói khoác” có vẻ khá thịnh hành ở vùng này. Có lẽ vì thế mà nó nổi tiếng.
Một góc làng Văn Lang.
Văn Lang là tên xưa thôi, còn giờ nó là Văn Lương, thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ. Đó là ngôi làng nằm trên những quả đồi đá sỏi gan trâu. Ngày đó, ngôi làng nghèo lắm, xác xơ, nhưng nhờ sự vui tính, sôi nổi, hồn nhiên mà người dân trong làng luôn yêu đời và cứ trẻ mãi.
Tôi đến Văn Lang vào một buổi sáng đẹp trời, chợ làng người người tấp nập, sôi động mua bán, trao đổi nông sản. Tôi đi qua chợ, chợt có một giọng nói dề dề, khác hẳn xung quanh, vang lên: “Anh ơi, mua khoai nhà em đi, em cam đoan không ở đâu có thứ khoainước dẻo bằng khoai nước làng em. Nó cứ quánh lại ấy”.
Thấy chị này vui tính, xởi lởi, mồm năm miệng mười, mà khá vui, nên tôi hỏi đùa: “Chị này cứ nói quá!”.
Nghe tôi nói vậy, chị nói như cái loa phóng thanh: “Thật đấy anh ạ! Lại đây em kể cho mà nghe. Bữa trước bà ngoại em sang chơi. Bố nó luộc một nồi mời bà em xơi. Chỉ mới đun sủi lăn tăn đã đổ ra. Vậy mà bà em mới cắn có một miếng bỗng thấy nín thít... Quái, hay là bà em ngộ gió? Chồng em chạy đến vuốt ngực nhưng bà cứ lắc đầu không nói được. Cả nhà được một bữa hết hồn. Hoá ra không phải. Sau khi bố nó lấy tay mếch hàm trên, bà em há được mồm ra thì văng cả khoai lẫn răng ra ngoài. Chao ôi, rụng không còn cái răng nào. Chỉ tại khoai nhà em dẻo quá nó gắn chặt hai hàm răng lại...”.
Biết các cô gái làng Văn Lang hay đùa, tôi cũng góp vui trêu lại: “Dẻo thế thì bố ai dám ăn nữa!”. Thế là tất cả cùng phá lên cười.
Người Văn Lang đều vui vẻ, nên trẻ lâu.
Tôi lang thang vào trong làng, qua cánh đồng, thì bắt gặp một tốp học sinh nữ đi học về. Thấy tôi đeo cái máy ảnh có ống kính dài trên ngực, một cô nói rõ to: “Con gái Văn Lang xinh thế này lên hình có đẹp không anh?”. “Thử là biết ngay” – tôi đáp lời.
Thế là mấy cô học sinh đứng ngồi lố nhố bên bờ ruộng, tạo dáng cười tí toét cho tôi chụp ảnh. Chụp xong, quay lại chỗ để xe thì không thấy mũ, kính đâu nữa.
Tôi hỏi thì một cô bảo: “Em thấy cái Lan nó đội thử mũ và đeo kính của anh, không biết nó đi đâu rồi. Anh vào nhà nó mà lấy. Nhà nó ở chân đồi kia kìa”.
Tôi hỏi đường vào nhà cô gái tên Lan, học sinh lớp 12. Mấy cô cậu học sinh độ 17-18 tuổi chỉ vào ngôi nhà lá trên sườn đồi dốc dác quanh co. Vào sân gọi mãi chỉ thấy một chị tầm 40 tuổi đi ra.
Chị ta bảo: “Cái Lan nó ở xóm bên cơ, ngôi nhà có cái cổng xanh ấy…”. Thì ra chị ta cũng tên là Lan, một chị... không chồng trong xóm.
Tôi tìm đến ngôi nhà có cổng xanh, và cất tiếng gọi: “Lan ơi! Cho anh xin mũ!”. Lát sau, một bà lão gầy gò, mắt mờ lần ra mở cổng: “Ai gọi đấy, em là Lan đây!”. Tôi phải xin lỗi rối rít bà cụ.
Lần mò mãi cũng tìm thấy nhà Lan. Khi chúng tôi đến, Lan ngạc nhiên: “Em để kính và mũ ở chỗ cũ mà!”.
Tôi chở Lan ra chỗ chụp ảnh lúc nãy thì chẳng thấy kính và mũ đâu. Lan bảo: “Lúc em cầm mũ ra trả anh thì có cái xe trâu đỗ ở đó, em đành phải để cái kính và cái mũ ở trên xe trâu, sợ để chỗ khác anh không tìm thấy. Anh cứ tìm xem xe trâu ở đâu thì có mũ và kính ở đó...” .
Tôi đành để lại mũ và kính làm quà kỷ niệm cho mấy cô gái Văn Lang, chứ giờ tìm đâu ra cái xe trâu đỗ ở bờ ruộng hồi sáng.
Đấy là một kỷ niệm vừa bực vừa buồn cười trong một lần về làng Văn Lang.
Một cảnh trong phim hài: "Tết Văn Lang cả làng nói phét".
Làng Văn Lang được mệnh danh là “làng nói khoác”. Người nơi khác có gọi Văn Lang là làng nói khoác, thì người Văn Lang cũng chẳng bực bội gì. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Nói quá một chút cho vui, cũng chả hại ai.
Văn Lang nằm biệt lập trên mấy ngọn đồi, xung quanh bốn bề là ruộng đồng, đầm trấu. Văn Lang còn rất nghèo nhưng lại nổi tiếng bởi cái giọng nói vừa ngọt vừa mát và tài nói quá như thần.
Ông Hán Văn Bình, ngày ấy là Trưởng ban Văn hóa xã cho hay: “Dân Văn Lang có giọng nói nghe khác hẳn với dân quanh vùng. Phát âm thường kéo dài, tiếng lanh lảnh và nâng cao lên đến lạc thanh lại bỗng hạ hẫng.
Chính chất giọng đặc biệt của dân Văn Lang làm cho những câu chuyện bình thường qua miệng kể mang nặng thơ âm khác lạ một thứ duyên thầm. Cũng câu chuyện ấy người làng khác kể thì không gây được tiếng cười, thậm chí phản cảm, nhưng qua miệng kể với thanh giọng đặc biệt và lối kể chuyện tưng tửng của dân Văn Lang thì người dân quanh vùng cứ gọi là ôm bụng cười “chảy nước mắt”.
Ông Hán Văn Tuấn, hồi đó là chủ tịch xã Văn Lương cũng thừa nhận: “Dân chúng tôi mà đi nơi khác nói chuyện thì thiên hạ chỉ có há hốc mồm mà nghe”.
Anh cũng khẳng định rằng, bất kỳ trai gái ở đâu đến lấy vợ, lấy chồng Văn Lang đều trẻ đẹp ra và quảng giao hơn.
Đó là do dân làng có một nền tảng nghệ thuật từ rất lâu đời, một thứ văn hóa gia truyền và khả năng tiếp thu bẩm sinh khiến một đứa trẻ được sinh ra ở đây chưa biết đi đã biết hát, biết nói hay rồi.
Chả thế mà đội văn nghệ của xã sau khi được khôi phục lại từ cuối năm 2000, sau mấy chục năm tan rã, đã được huyện, tỉnh, thậm chí Trung ương mời đi hội diễn khắp nơi.
Đến nay, đội văn nghệ gồm các diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản đều là nông dân đã gặt được mấy chục giải A. Văn Lang còn là nơi sản sinh ra khá nhiều nghệ sĩ ưu tú, được nhân dân cả nước biết đến, như nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình (nổi tiếng với vai Chu Văn Quềnh trong phim Đất và người), nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Thân và Nguyễn Xuân Yêm (Nhà hát tuồng Việt Nam)... Nghệ sĩ Hán Văn Tình đã hội tụ nhiều tinh hoa hài hước của người Văn Lang.
Có thể nói dân Văn Lang từ già đến trẻ đều biết nói quá. Một số “cao thủ” nói phét tài đến nỗi đi đâu nói thật người ta cũng không tin. Những cây nói phét siêu hạng đó là: “Nhất Sinh, nhị Kích, tam Dương, tứ Chí, ngũ Định, bát Nhị”. Chỉ cần tập hợp những câu chuyện phét lác thường ngày của mấy cao thủ này cũng có thể xuất bản thành một cuốn sách cực dày.
Những câu chuyện bịa như thật thường được các tay tổ nói phét kể với bộ mặt tỉnh bơ: “Tớ đội mâm xôi, gà chạy quýnh quáng ra đình làm lễ. Ra đến đình chả thấy xôi gà đâu nữa. Quay lại thì thấy gà và xôi treo lủng lẳng trên cành tre. Thì ra đôi cánh gà xếp chéo bị mắc vào cành tre nhưng vì xôi dẻo quá nên cả ván xôi vẫn dính chặt vào mình gà và treo lơ lửng trên cành tre”.
Một câu chuyện khác: “Ruộng nhà em hôm qua còn xanh mơn mởn thế mà nay đã rũ nát thế này. Nhìn ruộng lúa mà đau đứt ruột. Vớ được con bò ấy thì em cho một dùi.
Nhưng tìm mãi chẳng thấy bò mà chỉ thấy một con cua. Con cua giơ cái càng ra cắp, em đành phải lấy cái thừng to buộc vào càng nó. Nó lôi em đi, em lôi lại, cái càng gãy khực. Em quẳng càng xuống ao rửa. Chỉ một cái càng thôi mà nấu được nồi mười canh đặc”.
Chuyện nữa: “Hôm em đi làm cỏ lúa, may thay em vồ được con cá rô, em giắt vội vào cạp váy, em mang nó về, mời bố chồng em và cả ông trẻ đến nhắm rượu. Cả hai người uống hết hai chai, ăn uống no nê mà con cá vẫn không phải dở mình”.
Còn tiếp...
Tác giả bài viết: Dương Ngọc Phạm
Nguồn tin: