Hình ảnh mẹ con bà Tâm ở trong cái căn nhà không đầy chục mét vuông tối tăm, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, tôi đã không dám nghĩ đây là cuộc sống của con người.
Thế mà bao năm nay, mẹ con bà Vũ Thị Tâm (SN 1963, thôn Tuy Yên, xã Công Liêm, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã sống như thế. Mỗi ngày trôi qua, bà Tâm chỉ mong được ai đó cho cái gì có thể ăn được để cho đứa con trai tội nghiệp của mình. Căn nhà mẹ con bà đang sống cũng phải nhờ sự giúp đỡ, gom góp của các đoàn thể trong xã.
|
Tưởng có đứa con dựa dẫm lúc tuổi già, bà Tâm đâu ngờ sinh con ra lại là gánh nặng cho cuộc đời mình. |
Ngoài 50 tuổi, bà Tâm mắc đủ thứ bệnh trong người, đặc biệt là căn bệnh viêm đa khớp cấp độ nặng khiến cơn đau đớn suốt ngày hành hạ. Hai mắt bà cũng không còn nhìn rõ, bàn tay và chân thì sưng vù thế nhưng bà vẫn cố gắng gượng lê từng bước để chăm sóc đứa con tật nguyền.
Đưa tay quệt dòng nước mắt, bà Tâm kể lại chuỗi ngày khốn khổ mà bà trải qua. Người đàn bà góa ấy ở tuổi xế chiều đã mong một đứa con để dựa dẫm lúc tuổi già. Ấy thế rồi, đứa bé ấy cũng được sinh ra. Cuộc sống của người đàn bà này dù đói nghèo vẫn có niềm vui từ ngày có đứa trẻ.
Thế nhưng, ông trời đã không rủ lòng thương. Khi cậu bé tròn 4 tuổi, trong một lần bị sốt cao, lên cơn co giật rồi vĩnh viễn nằm một chỗ. Đứa con- niềm hy vọng bỗng chốc trở thành gánh nặng đè lên đôi vai người đàn bà ấy.
Đã 18 năm qua, thằng bé sống thực vật, vẫn cứ lớn lên, vẫn cứ ăn nhưng chỉ nằm, ngồi một chỗ, lúc đói thì gào khóc, la hét. Chẳng những thế, nó còn hay ốm đau. Nhiều đêm bà Tâm ôm con thức trắng mà khóc cạn nước mắt. Người đàn bà ấy tưởng chẳng thể còn được khóc được sau bất hạnh giáng xuống cuộc đời đứa con tội nghiệp của mình.
Ngày còn khỏe, bà mò cua, bắt ốc, làm thuê đủ thứ chỉ để kiếm miếng ăn cho con. Có thời gian, bà được người ta thuê cả hai mẹ con đi ăn xin, bán bông tăm bà cũng bế con đi.
4 tuổi, sau một cơn sốt, chàng trai này đã vĩnh viễn không bao giờ biết gọi mẹ. |
Nhưng vì không có sức khỏe lại phải vừa đi bộ, vừa bế con theo, bà đã ốm, kiệt sức. Không thể tiếp tục, hai mẹ con lại ở nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Hàng xóm người ta thương, cho gì thì ăn nấy.
Mấy năm nay, bà Tâm bất ngờ mắc đủ thứ bệnh tật. Bà cứ thấy đau nhức khắp người, mắt thì mờ đi, tay chân sưng phù nề cũng không có tiền đi thăm khám. Trong một lần bị ngất đi, hàng xóm đưa bà đến viện mới biết bà bị mắc chứng bệnh viêm đa khớp dạng nặng.
Nhiều lúc thấy cuộc sống khổ quá, bệnh tật thì hành hạ, bà bảo chỉ muốn ôm con lao xuống sông mà chết để con hết khổ còn mình cũng hết đớn đau. Nhưng rồi, nhìn con bà lại không nỡ lòng.
Đưa đôi bàn tay sưng tấy, lấm lem đất quệt lên mặt ngăn dòng nước mắt đang lã chã rơi, bà tâm sự: “Ngày còn khỏe, mắt còn nhìn rõ thì còn dọn dẹp vệ sinh cá nhân cho con, giờ mắt mờ rồi, nó đi vệ sinh tại chỗ, ăn uống thì đổ khắp giường cũng mò mẫm mãi mới dọn xong. Ngày trước thì nghĩ để nó sống với tôi đến khi nào tôi chết nhưng giờ chỉ mong nó được về Trung tâm bảo trợ xã hội sớm ngày nào thì tốt ngày đó, tôi bây giờ bệnh tật thế cũng chẳng sống được bao lâu nữa…”.
|
Bệnh viêm đa khớp khiến chân, tay bà Tâm sưng vù, mắt mờ, đau đớn và khó khăn đi lại. |
“Bệnh tật thế này nhưng tiền không có nên tôi cũng có đi thăm khám chữa trị được đâu. Miếng ăn mỗi ngày thì nhờ vào bà con hàng xóm với mấy đồng trợ cấp tàn tật của thằng con, sống được ngày nào hay ngày đó thôi cô ạ” – bà Tâm nghẹn ngào.
Trong góc nhà tối tăm, đứa con trai của bà nằm quơ quắp trên chiếc giường xộc xệch với tấm chiếu đã thâm sì, rách lỗ chỗ, mùi ẩm mốc, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Gần 12h trưa, thằng con bắt đầu la hét, đưa tay chân đập giường ầm ầm.
Bà Tâm lật đật lết từng bước chân đến bên chiếc nồi đen sì, cáu bẩn vét những thìa cơm nguội lạnh chan ít nước mì tôm lúc sáng hàng xóm cho rồi mang lại đút cho con ăn. Những miếng thức ăn lúc vào miệng con, lúc không rơi lã chã khắp giường.
Người đàn bà cả một đời bất hạnh như chính bóng tối trong căn nhà chị bà vậy. |
Nhìn bóng tối trong căn nhà nhỏ bé ấy tôi hình dung sao giống người đàn bà này đến vậy, tối tăm, bất lực, khổ đau đeo bám suốt cả cuộc đời…Ước muốn cuối đời của người đàn bà bất hạnh ấy là đưa con vào Trung tâm bảo trợ xã hội để con không phải khổ và có một chút tiền chữa trị bệnh mà sao cũng quá khó...
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Vũ Thị Tâm, thôn Tuy Yên, xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa |
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí