Nhân ái

Chan bát cơm đầy nước mắt, mẹ già 85 tuổi nghẹn ngào chăm con trai bị chất độc da cam

Gần 40 năm chăm con trai bị di chứng của chất độc da cam, có bao nhiêu nước mắt bà đã khóc cạn cả. Giờ đây ở độ tuổi 85, bà vẫn phải mò mẫm, bữa rau, bữa cháo cho con trong sự tủi phận, xót xa.

6 năm kể từ ngày đầu tiên gặp bà, chúng tôi có dịp quay trở lại đội 14, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thăm với hi vọng mẹ con bà vẫn khỏe. Vẫn ngôi nhà cũ, lụp xụp với mái hiên đã võng cả xuống, bà Hòa nay đã ở độ tuổi 85 chân tay run lẩy bẩy, mắt mờ vẫn ngồi bón từng thìa cơm cho con trai. Bà bảo: “Nay tôi thắp hương ngày 27/7 vì nhà đang thờ chú là liệt sĩ nên sáng mua được miếng giò đây. Giờ đút cho nó ăn mà phải mất cả tiếng đồng hồ mới xong các cô, các chú ạ”.

Chồng chết, 2 con chết, một mình bà đã ở tuổi 85 chăm con trai bị chất độc da cam.

Anh Đỗ Văn Sáng bị di chứng chất độc da cam nên không tự làm được gì.

Giấy chứng nhận anh Sáng bị chất độc da cam.

Trước hiên nhà, con trai bà là anh Đỗ Văn Sáng bao nhiêu năm nay vẫn cứ bò lê ở 1 chỗ, không thay đổi. Chân tay co quắp, cứng đơ, anh chỉ có thể quay bên nọ, ngoái bên kia một cách khó khăn rồi lại có khi giật lên từng hồi. Không nói được, nhưng anh có thể nhận ra người quen, người lạ để ra hiệu đòi bắt tay hay khẽ cúi cúi đầu ra chiều muốn nói “cám ơn”. Nhìn anh, thật lòng với chúng tôi không có cảm giác gai người, sợ hãi mà cứ muốn ngồi lại, chuyện trò hay bóc cho anh cái kẹo, cái bánh để ăn.

“Thấm thoắt nó đã 36 tuổi rồi đấy cô chú ạ. Tôi sinh được tất cả 3 đứa con nhưng chị lớn là Đỗ Thị Bình đã mất năm 1984 vì bệnh tim. Liền năm sau là năm 1985 con thứ là Đỗ Thị Minh cũng chết, cái Minh nó cũng bị di chứng chất độc da cam giống cháu Sáng này. Còn ông nhà tôi sau khi đi đánh Pháp và đánh Mỹ về mất năm 2002 rồi”.

36 năm rồi, anh Sáng vẫn như 1 đứa trẻ thơ.

Hai mẹ con cứ lầm lũi sống cho qua ngày trong sự thiếu thốn trăm bề.

Nhà có 5 người, giờ chỉ còn 2 mẹ con. Chồng chết, 2 con cũng qua đời, để lại cho bà nỗi đau đớn khôn nguôi nhưng vì đứa con tật nguyền còn lại, bà vẫn phải gắng gượng sống tiếp. Nay đã ở độ tuổi 85 nhưng mọi công việc từ cho ăn, cho uống, giặt giũ, tắm rửa cho con một tay bà gánh hết. Một bên mắt của bà cũng lòa gần như không còn nhìn thấy, bà bảo nhiều khi làm nó là theo thói quen chứ có trông thấy gì đâu.

Nhìn xung quanh ngôi nhà của hai mẹ con với chẳng có vật dụng gì đáng giá. Một cái tum chứa nước đã cáu xanh, hai gian mái ngói lụp xụp như sắp đổ cả xuống là chỗ tắm rửa và đi vệ sinh, vài ba buồng chuối mà bà đã tính mang đi bán để có tiền thêm thắt thuốc thang cho con. Mọi thứ đơn giản, nghèo nàn đến xác xơ, đó là tất cả những gì hai mẹ con có được.

Cuộc sống của hai mẹ con với bữa đói, bữa no.

Số tiền trợ cấp ít ỏi bà dành để mua thuốc cho anh Sáng.

“Tôi già rồi, sống được ngày nào thì sống để chăm con thôi. Hiện tại 2 mẹ con được hưởng tiền trợ cấp là hơn 1 triệu/ tháng, vậy mà cũng chẳng đủ mua thuốc thang cho nó. Ăn uống thì đơn giản lắm, ra vườn có rau gì thì tôi hái, rồi có quả trứng hay mua được thanh đậu là 2 mẹ con ăn thôi” – Bà Hòa thật thà tâm sự khi đang ngồi dựa lưng vào tường, chờ con ăn hết miếng cơm để bón tiếp.

Đôi mắt đục mờ, bà không dám đi viện vì không có tiền.

Cuộc sống giản đơn, thiếu thốn trăm bề nhưng bà già rồi nên không dám mưu cầu gì cả. Một bên mắt đã đục mờ, không nhìn thấy, bác sĩ bảo bà phải đi phẫu thuật đục thủy tinh thể nhưng bà cũng chẳng dám đi, phần vì không có tiền, phần vì không có ai ở nhà lo cơm nước cho con. Chấp nhận mò mẫm vì nhìn lờ mờ nhưng với bà ngày nào còn bón được bát cơm cho con ăn là ngày đó với bà còn niềm hạnh phúc cho dù nước mắt mấy chục năm qua đã chan đầy bát. Ngẫm thương con, lại nghĩ đến mình, bà trăn trở: “Nếu một ngày tôi chết rồi thì ai sẽ chăm và nuôi thằng Sáng. Nếu như một mình nó bơ vơ, nó sẽ chết mất thôi”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bà Lê Thị Hòa (còn gọi là bà Ngác) Đội 14, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

ĐT: 0167.301.3267

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP