Kinh tế

Cục Thú y bị tố đánh tráo khái niệm, gây khó cho doanh nghiệp?

Theo các doanh nghiệp thủy sản, các thông tư về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản do Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xây dựng vẫn còn nhiều quy định bất hợp lý như sai về bản chất khoa học, “đánh tráo” khái niệm gây khó cho doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Cụ thể, trong 10 năm qua (2010-2020), Bộ NN&PTNT đã có 4 thông tư hướng dẫn quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, gồm: Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, Thông tư 26/2016/TTBNNPTNT, Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT.

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Tuy nhiên, các thông tư trên và nghị định triển khai lại đang chi tiết hóa theo chiều hướng đưa các sản phẩm này vào danh mục cần kiểm dịch.

Theo đó, với tên gọi “kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản…”, các sản phẩm như hàng khô, đồ hộp, hàng nấu chín, ăn liền, đông lạnh...đều bị cơ quan Thú y kiểm tra cảm quan, ngoại quan.

Theo các doanh nghiệp, việc đưa các sản phẩm như hàng khô, đồ hộp, hàng nấu chín, ăn liền...vào danh mục kiểm dịch không đúng bản chất khoa học

VASEP cho rằng, điều này không chỉ sai về bản chất khoa học, “đánh tráo” khái niệm mà còn khiến danh mục hàng hóa, bao gồm hàng chế biến, đông lạnh phải chịu kiểm tra nhập khẩu không giảm đi.

Theo Phó tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam, về bản chất kiểm dịch động vật (trên cạn, dưới nước) nhập khẩu chính là kiểm soát sự lây lan dịch bệnh cho vật nuôi và môi trường vật nuôi, không phải kiểm soát các tác nhân gây ra dịch bệnh cho con người.

Ở các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh, Canada và khoảng 160 quốc gia khác, sản phẩm thủy sản (gồm chế biến đông lạnh, đồ hộp, hàng khô…) dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra ATTP.

“Hiện hơn 80 - 85% thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam hằng năm là các sản phẩm để sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Theo Nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm, nhóm hàng này được miễn kiểm tra. Tuy nhiên, do các thông tư của Bộ NN&PTNT, 100% lô hàng các sản phẩm này không được áp miễn nữa, mà đều bị kiểm tra hồ sơ và cảm quan, có giấy của thú y mới được thông quan. Điều này dẫn tới danh mục sản phẩm thủy sản phải chịu kiểm tra là rất nhiều, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp”, ông Nam cho hay.

Cục Thú y nói gì?

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Thú y cho biết, thời gian qua đã tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành nhiều văn bản cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, đối danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, Cục đã kiến nghị cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước đây (được cắt giảm 36%); đồng thời không kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín, đóng bao kín khí, sử dụng để ăn ngay.

Cục Thú y cho biết, đang rà soát loại các quy định và khẳng định không có chuyện mở rộng “danh mục hàng thủy sản” phải kiểm dịch như phản ánh.

Đối với tần suất lấy mẫu, việc kiểm dịch, lấy mẫu kiểm tra theo nguyên tắc phân loại sản phẩm. Với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) cứ 5 lô hàng lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (được cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra); sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao thực hiện lấy mẫu của 3 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ áp dụng tần suất 5 lô hàng lấy mẫu của 1 lô hàng để kiểm tra (đã cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu)...

Về chỉ tiêu kiểm tra, Bộ NN&PTNT đã cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra (giảm 33,33%) đối với nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh; cắt giảm 3/7 chỉ tiêu kiểm tra (giảm 42,85 %) đối với nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế...

Đại diện Cục Thú y cho biết thêm, Cục đang được Bộ giao phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN-PTNT rà soát Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT và khẳng định không có chuyện mở rộng “danh mục hàng thủy sản” phải kiểm dịch như phản ánh.

Phó tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho biết, trước những bất cập trên, VASEP vừa gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Chính phủ rà soát lại các quy định bất cập.

“Chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT không đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật - sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch nhập khẩu theo Luật Thú y, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh. Các sản phẩm chế biến kể trên chỉ chịu kiểm soát theo các quy định của Luật An toàn thực phẩm", VASEP kiến nghị.

Tác giả: Dương Hưng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP